Tỷ giá sẽ ổn định

ANTĐ - Trong cả năm 2012, tỷ giá VND/USD được giữ ổn định, có lợi cho nhập khẩu, đặc biệt tạo được lòng tin của người dân vào sự ổn định của đồng tiền Việt Nam. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc giữ tỷ giá ổn định trong 2 năm qua gây bất lợi cho xuất khẩu. Tại hội thảo “Rủi ro kinh tế vĩ mô và tầm nhìn chính sách năm 2013”, một số chuyên gia đề xuất, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép tỷ giá biến động trong giới hạn 3%, đồng thời tiếp tục hạ lãi suất huy động xuống còn 7%. Nên điều chỉnh tỷ giá ngay trong quý I này và hạ lãi suất trong quý II.

Hiện có hai luồng ý kiến trái chiều. Một phía cho rằng, để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, cần giảm lãi suất cho vay, đồng thời thực hiện phương án chủ động phá giá VND khoảng 3-4% trong cả năm với biên độ 1-1,5% để hỗ trợ xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước trước hàng nhập khẩu. Việc phá giá sẽ khiến nhập khẩu hàng tiêu dùng hạn chế do giá đắt lên, đồng thời khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu. Đối với hàng nhập khẩu là nguyên liệu sản xuất, tuy giá có đắt lên, nhưng khi trở lại thành hàng xuất khẩu thì bao giờ cũng được cộng thêm giá trị gia tăng. Do đó, việc phá giá VND là rất cần thiết. Ngược lại, luồng ý kiến khác thì lo ngại rằng, nếu lạm phát tăng trở lại trên 10%, chắc chắn sẽ tác động rất xấu tới tỷ giá. Bởi thế, Ngân hàng Nhà nước không nên phá giá VND mà nên cho phép tỷ giá biến động trong giới hạn 3% năm 2013.

Điều này đồng nghĩa Ngân hàng không can thiệp vào thị trường hối đoái mà để nền kinh tế tự điều chỉnh. Việc phá giá VND có lợi ngay cho xuất khẩu, song lại tạo ra bất ổn về tâm lý và làm giảm lòng tin. Ngay cả khi tỷ giá được điều chỉnh ở mức 3% thì vẫn có tác dụng phụ như chi phí nhập khẩu hàng hóa vào trong nước tăng lên, ảnh hưởng nhất định tới lạm phát. Dẫu vậy, theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, không có “liều thuốc” nào có thể trị được bách bệnh và giúp mọi thành phần của nền kinh tế cùng khỏe lên được. Đương nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động đến lãi suất và lạm phát năm nay. Song, phải hạ lãi suất xuống thấp hơn để “cấp cứu” các doanh nghiệp cho dù hạ lãi suất sẽ tác động mạnh tới lạm phát do lượng tiền đưa vào lưu thông sẽ tăng lên.

Tuy nhiên vị chuyên gia này cho rằng, với “thể trạng” nền kinh tế hiện nay chưa chắc đã gây tác động mạnh tới lạm phát theo lý thuyết nếu lãi suất hạ xuống. Bởi vì, các ngân hàng hết sức dè dặt với việc cho vay, cấp tín dụng cho các doanh nghiệp. Hơn thế, hiện nay lượng hàng tồn kho còn cao, sức cầu hàng hóa vẫn rất yếu cộng thêm nợ xấu cao cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không dám ồ ạt vay tiền ngân hàng. Đứng ở giữa hai luồng ý kiến này, một tiến sĩ kinh tế phân tích rằng, thời gian qua tỷ giá VND/USD luôn “đứng yên” không phải do ý chí cố “neo giữ” mà xuất phát từ thực tế là trên các nền kinh tế lớn USD đang mất giá, trong khi ở Việt Nam nguồn dự trữ ngoại tệ khá dồi dào, dòng kiều hối chảy về nhiều. Vì vậy, nếu thị trường có nhu cầu thì tỷ giá VND/USD sẽ tự khắc điều chỉnh, cơ quan điều hành có muốn “neo” cũng không được.

Chốt lại vấn đề tỷ giá, lãi suất huy động, lãi suất cho vay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định rằng, lạm phát thực sự không dễ kiểm soát vì phải “bơm” tiền ra để bán nợ, giải cứu bất động sản. Song, tỷ giá trong năm 2013 sẽ ổn định nhưng không cố định, sẽ dao động khoảng 2-3%. Cần “nắn” dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất để xuất khẩu; đồng thời cần quan tâm đến tín dụng tiêu dùng để tăng sức cầu nội địa.