Tỷ giá "nổi sóng"

ANTĐ - Những ngày gần đây, giá USD “nổi sóng” khi tăng hơn 100 đồng và thiết lập mức cao nhất kể từ đầu năm. Trước diễn biến này, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng và theo dõi sát diễn biến của tỷ giá để có những điều chỉnh linh hoạt, kịp thời.

Các chuyên gia khuyến cáo cần bám sát các diễn biến của tỷ giá trước tác động từ trong nước cũng như thị trường thế giới

Cao nhất kể từ đầu năm

Ghi nhận cho thấy “chân sóng” bắt đầu vào ngày 25-5, khi tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 11 đồng lên mức 21.921 đồng/USD. Ngay lập tức, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng giá USD thêm 20-35 đồng. Giá bán USD phổ biến được các ngân hàng công bố ở mức 22.370-22.380 đồng/USD (mua vào – bán ra).

Chưa dừng lại ở đó, thị trường tiếp tục ghi nhận biến động mạnh của giá USD trong những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6-2016. Ngày 2-6, bất chấp việc tỷ giá trung tâm giảm nhẹ, giá mua bán USD vẫn được các ngân hàng thương mại niêm yết với mức tăng từ 35-60 đồng. Mức giá phổ biến quanh ngưỡng 22.400-22.470 VND/USD. Cá biệt có ngân hàng đã đẩy mức giá bán ra lên mức 22.500 VND/USD. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tuần, giá USD đã tăng hơn 100 đồng và thiết lập mức cao nhất kể từ đầu năm. 

Lý giải về những diễn biến trên, các chuyên gia cho rằng, có 2 yếu tố tác động mạnh đến tỷ giá là việc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ (CNY) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hé lộ khả năng tăng lãi suất USD. Cụ thể, Chủ tịch FED khẳng định, việc nâng lãi suất trong những tháng tới sẽ là một động thái hợp lý. Bên cạnh đó, ngày 30-5, tỷ giá tham chiếu của đồng CNY đã giảm xuống mức 6,5784 CNY/USD - mức thấp nhất trong vòng hơn 5 năm qua. 

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, tỷ giá tăng mạnh còn có nguyên nhân từ cầu ngoại hối tăng cao, do một số ngân hàng gia tăng hoạt động kinh doanh ngoại tệ nhằm tối đa hóa lợi nhuận do lãi suất tiền đồng hiện khá thấp. Ngoài ra, việc cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được phép vay ngoại tệ trở lại sau 3 tháng tạm dừng cũng khiến nhu cầu thu mua ngoại tệ nhằm đáp ứng các hợp đồng cho vay của các ngân hàng thương mại gia tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia của BVSC nhận định, việc tỷ giá tăng chỉ mang tính ngắn hạn.

Cuối năm, áp lực càng lớn

Đánh giá về tình hình tỷ giá trong thời gian vừa qua, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho rằng, chính sách tỷ giá trung tâm đã cho thấy những thành công bước đầu. Thực tế, tỷ giá khá ổn định trong thời gian vừa qua. Mức độ găm giữ ngoại tệ và kỳ vọng tỷ giá tăng đã được giảm đáng kể.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng phân tích: “Trường hợp FED tăng lãi suất thì giá trị đồng USD so với các tài sản khác và VND sẽ tăng lên. Điều này có thể tạo ra những áp lực với tỷ giá. Vì vậy, việc điều hành tỷ giá trung tâm cần tiếp tục bám sát  xu hướng thị trường để hỗ trợ xuất khẩu và ngăn chặn hiệu quả hoạt động đầu cơ, găm giữ”.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong giai đoạn cuối năm, tỷ giá sẽ chịu áp lực chủ yếu từ khả năng tăng lãi suất của FED, cộng thêm tác động từ việc nhiều nước có thể phá giá đồng nội tệ. Vì vậy, cơ quan chức năng cần điều hành tỷ giá linh hoạt hơn. Đặc biệt, khả năng điều chỉnh tỷ giá giữa VND với USD cũng cần được tính đến để hỗ trợ xuất khẩu và phù hợp với các tác động từ bên ngoài. Các chuyên gia khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét điều chỉnh một số chính sách ngoại hối, như lãi suất huy động USD, dự trữ bắt buộc…

Theo phó giám đốc một ngân hàng thương mại, diễn biến vừa qua của tỷ giá chủ yếu là do tâm lý tác động từ sự mạnh lên của USD và nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp không có gì bất thường. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, khi nhu cầu ngoại tệ tăng lên cộng với tác động từ bên ngoài, khả năng điều chỉnh tỷ giá sẽ rõ ràng hơn.