Tỷ giá neo ở mức trần

ANTĐ - Hôm qua (6-5), tỷ giá VND/USD tiếp tục được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ. Một số ngân hàng vẫn duy trì giá bán ra ở mức kịch trần, đồng thời tăng giá ở chiều mua vào. Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cân nhắc rất thận trọng. 

Bán “đụng trần”, mua tiếp tục tăng

Ngày 6-5, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), tỷ giá VND/USD giữ nguyên ở chiều bán ra so với ngày hôm trước là 21.670 đồng, trong khi chiều mua vào được điều chỉnh tăng thêm 10 đồng lên 21.620 đồng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) giữ nguyên giá bán ra là 21.670 VND/USD nhưng chiều mua vào tăng thêm 20 đồng lên mức 21.630 VND/USD. Đây là mức giá mua vào được ghi nhận là cao nhất trên thị trường. Mức giá mua vào - bán ra tại nhiều ngân hàng TMCP khác cũng được duy trì ở mức cao, trong đó giá bán ra tiếp tục giữ ở mức kịch trần là 21.673 VND/USD. Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), giá mua vào được điều chỉnh tăng thêm 10 đồng so với ngày hôm trước lên mức 21.623 VND/USD.  Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) niêm yết giá mua vào ở mức 21.625 VND/USD, tăng thêm 15 đồng so với ngày hôm trước. 

Tỷ giá neo ở mức trần ảnh 1

Nhiều ý kiến cho rằng tỷ giá chưa điều chỉnh trong thời điểm hiện nay

Theo đại diện một ngân hàng thương mại, thời gian này, nhu cầu về USD có tăng lên do đang là thời điểm tổng kết quý. Lượng USD mà ngân hàng bán ra có tăng nhưng không đột biến. Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BSC) nhận định: “Tỷ giá USD/VND trong các tháng tới nhiều khả năng tiếp tục neo giữ ở mức cao”.

BSC cũng cho rằng, cần lưu ý về việc thị trường đang tiến dần tới thời điểm tháng 6, thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến có thể nâng lãi suất USD. Mặc dù khả năng Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất là không cao nhưng nếu điều này thành hiện thực thì diễn biến tỷ giá trong nước không loại trừ khả năng được điều chỉnh. 

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, tỷ giá tăng là do thị trường xuất hiện tin đồn điều chỉnh tỷ giá. Nếu điều chỉnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ nên điều chỉnh nhỏ giọt để bám sát thị trường, đồng thời không gây sốc cho thị trường, chỉ từ 0,25-0,5%.

Nhiều sức ép

Mặc dù NHNN liên tục khẳng định tỷ giá tăng là do tâm lý nhưng theo các chuyên gia, với diễn biến tỷ giá hiện nay, mức điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm còn 1% là khá khó khăn cho NHNN.

Các chuyên gia của BSC nhận định, về cơ bản, NHNN vẫn kiên định với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó tập trung bình ổn lạm phát và tỷ giá. Sự ổn định của VND trong thời gian dài vừa qua đã giúp gia tăng niềm tin vào đồng nội tệ, giảm tình trạng đôla hóa cũng như hấp dẫn các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, tỷ giá nhiều khả năng vẫn được NHNN ưu tiên bình ổn.

Tuy nhiên, việc duy trì ổn định tỷ giá trong năm nay sẽ phức tạp hơn so với năm 2014. Nguyên nhân thứ nhất là do sự phục hồi của kinh tế Mỹ sẽ tạo áp lực tăng giá đối với đồng USD mạnh mẽ hơn so với cùng kỳ năm 2014 và điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của NHNN. 

Thứ hai, kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi so với thời gian trước. Cụ thể, kinh tế tăng trưởng nhanh hơn làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Thay đổi dễ thấy nhất là sự dịch chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ thặng dư trong các năm trước sang xu hướng nhập siêu, tính từ thời điểm đầu năm tới nay. Cụ thể, nhập siêu 3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2015 đã thay thế giá trị xuất siêu 2 tỷ USD cùng kỳ năm 2014. Thêm vào đó, thâm hụt thương mại còn chịu tác động kép trước sự suy giảm về giá của các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu, tiêu biểu là dầu thô, nông sản.

Thứ ba, tác động tâm lý từ sự gia tăng tỷ giá tại Việt Nam có thể mạnh hơn bởi NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá 1% ngay từ đầu năm trong khi mục tiêu giữ ổn định cả năm không điều chỉnh quá 2%. Mặt khác, trong bối cảnh đa số các đồng tiền khác đều giảm giá so với USD đã khiến đồng USD nổi lên như là một trong những loại tiền tệ có lợi suất tốt nhất tại thời điểm này. 

Dù có những áp lực nhất định lên điều hành tỷ giá nhưng theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR): “Việt Nam đang bước vào một chu kỳ mới, tính ổn định vĩ mô được ưu tiên và sẽ không có những điều chỉnh đột ngột cho đến cuối năm. Chúng tôi nhìn nhận khả năng kiểm soát tỷ giá của NHNN với lượng dự trữ ngoại hối hiện có (36,7 tỷ USD) và cán cân thanh toán vẫn thặng dư. Do đó, điều chỉnh tỷ giá (nếu có) sẽ rơi vào cuối quý IV năm 2015”.