Tỷ giá, giá vàng tiếp tục “nổi sóng” trước bất ổn thương mại toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những mối đe dọa mới về thuế quan trừng phạt của Mỹ đối với Canada, Mexico và Trung Quốc dự kiến sẽ khiến giá vàng và USD “nổi sóng” từ nay đến cuối năm.

Những ẩn số bắt đầu lộ diện

Cuối năm 2024, đầu 2025, tưởng chừng xu hướng nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ hơn khi nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới hạ lãi suất khiến điều hành tỷ giá “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, những ẩn số của năm 2025 đang khiến xu hướng này không dễ đoán định, tỷ giá đang có những diễn biến căng thẳng hơn.

Tỷ giá, giá vàng cùng đang chịu tác động mạnh mẽ của xung đột thương mại toàn cầu

Tỷ giá, giá vàng cùng đang chịu tác động mạnh mẽ của xung đột thương mại toàn cầu

Thị trường tài chính đã trải qua một giai đoạn biến động mạnh kể từ đầu tháng 2 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp dụng mức thuế thương mại trừng phạt 25% đối với cả Canada và Mexico ngay lập tức, nhưng sau đó lại đồng ý hoãn thực hiện trong 1 tháng để chờ đàm phán thêm. Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như đã đáp trả bằng các mức thuế trả đũa và các lệnh hạn chế xuất khẩu đối với nhiều kim loại hiếm. Với những gì đang diễn gia, nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ chậm lại trong khi lạm phát CPI sẽ tăng thêm. Đồng thời, tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến cũng sẽ giảm đi.

Đáng nói, theo nhận định của Ngân hàng UOB, rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính sẽ không dừng lại ở đó. Ngày càng có nguy cơ rõ ràng rằng Tổng thống Trump có thể áp thuế đối với Liên minh châu Âu hoặc một lần nữa gia tăng các mối đe dọa thuế quan đối với các đối tác thương mại quan trọng như Canada, Mexico và Trung Quốc. Trong kịch bản tồi tệ nhất, ông có thể áp dụng mức thuế toàn diện lên tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. “Điều này được phản ánh trong kịch bản bi quan của chúng tôi (với xác suất 40%), trong đó thuế đối với Mexico và Canada có thể tiếp tục tăng, trong khi Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn đáng kể, lên tới 60%. Phần còn lại của thế giới có thể chịu mức thuế phổ quát từ 10 - 20%. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng GDP của Mỹ được ước tính sẽ chậm lại chỉ còn 1%, trong khi lạm phát tăng vọt 1 điểm phần trăm so với kịch bản cơ sở, lên 3,1%. Đồng thời, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có khả năng tiếp tục suy giảm, chỉ còn 3,5% trong năm nay” - báo cáo cho biết.

Cùng nhận định, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khó nhận thấy rõ xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục khi ông Donald Trump đảm nhiệm cương vị Tổng thống Mỹ lần thứ 2, bởi nhiều yếu tố sẽ đẩy lãi suất điều hành hơn là hạ lãi suất. Những kế hoạch của ông Trump tuyên bố trước và sau khi thắng cử đều nhấn mạnh sẽ áp thuế nhập khẩu rất mạnh lên hàng hóa của Trung Quốc, có thể 60%, thậm chí 100%.

Khi đó, các nước top đầu xuất siêu vào Mỹ có thể bị áp thuế nhập khẩu rất cao. Trong bối cảnh Mỹ muốn trừng phạt Trung Quốc, thật sự ra chính người dân Mỹ cũng sẽ phải chịu sự trừng phạt đó khi giá cả tăng, dẫn đến lạm phát có thể tăng lên rất cao. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ trục xuất hàng triệu lao động bất hợp pháp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động tại Mỹ, đẩy giá lao động và lạm phát tăng thêm. Bên cạnh đó, dự kiến chính sách giảm thuế cho giới nhà giàu dẫn đến bội chi ngân sách của Mỹ tăng cao hơn. Để cân bằng, Chính phủ Mỹ sẽ phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất cao.

Theo vị chuyên gia, tất cả những yếu tố đó có thể buộc Cục Dự trữ liên bang (FED) xoay ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt để kiểm soát lạm phát. “Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng lớn đến điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của Việt Nam” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng dần của FED

Chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng dần của FED

Tỷ giá, giá vàng sẽ tiếp tục “dậy sóng”

Theo Ngân hàng UOB, trong thời gian tới, các thị trường tài chính và nhà đầu tư toàn cầu sẽ phải thích nghi với nguy cơ thuế quan liên tục và những cuộc đàm phán căng thẳng đến phút chót trong những tháng sắp tới. UOB cho rằng, sự bất định này, cùng với những biến động mạnh trong ngày, có thể trở thành trạng thái bình thường mới. Điều này đặt ra câu hỏi liệu thị trường tài chính đã phản ánh đầy đủ rủi ro thuế quan đang diễn ra thông qua một “mức phí bảo hiểm rủi ro thuế quan” hay chưa. Hệ quả tức thì của “mức phí bảo hiểm rủi ro thuế quan” ngày càng tăng này là sự gia tăng kỳ vọng lạm phát tại Mỹ. Do đó, thị trường hợp đồng tương lai lãi suất Fed Fund Futures đã bắt đầu điều chỉnh giảm kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, trong khi nhiều quan chức FED hiện đang nhấn mạnh quan điểm thận trọng “chờ đợi và theo dõi” ở thời điểm hiện tại.

Đồng USD là bên hưởng lợi lớn nhất từ “mức phí bảo hiểm rủi ro thuế quan” này cùng với sự gia tăng kỳ vọng lạm phát tại Mỹ. Đặc biệt, kỳ vọng lạm phát 2 năm của Mỹ đã tăng gấp đôi, từ 1,5% vào tháng 11 năm ngoái lên khoảng 3,0% ở thời điểm hiện tại. Nhìn chung, chỉ số USD (DXY) đã tăng khoảng 9% so với mức thấp 100 trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 năm ngoái, lên khoảng 109 hiện tại. Trong kịch bản cơ sở UOB dự báo DXY sẽ tiếp tục tăng lên 112,6 vào quý 3 năm 2025.

Đối với tỷ giá USD/VND, sự yên bình trong tháng 1 cũng đã bị phá vỡ khiến USD/VND tăng trở lại lên khoảng 25.300 VND trong đầu tháng 2. UBO cho rằng, với lập trường thận trọng hơn của FED về việc cắt giảm lãi suất trong năm 2025, cùng với những bất ổn từ thuế quan và Trung Quốc, USD/VND có khả năng duy trì xu hướng tăng. Theo đó, ngân hàng này dự báo tỷ giá sẽ là 25.600 VND/USD trong Quý I/2025, 25.800 VND/USD trong Quý II, 26.000 VND/USD trong Quý III và 25.800 VND/USD trong quý IV.

Đối với thị trường vàng, kể từ đầu năm, lượng vàng vật chất được giao vào COMEX đã tăng đột biến, cùng với mức tăng mạnh trong kho dự trữ vàng vật chất tại sàn giao dịch này. Các báo cáo trong ngành cũng chỉ ra rằng lượng vàng vật chất được vận chuyển từ London, châu Âu và nhiều khu vực khác ở châu Á đến New York đang gia tăng. Như vậy, có thể thấy nhu cầu vàng vật chất tại Mỹ đang tăng lên đáng kể trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn ngày càng leo thang. “Diễn biến này củng cố quan điểm của chúng tôi rằng, nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng đang gia tăng, không chỉ từ các ngân hàng trung ương để tăng dự trữ mà còn từ các nhà đầu tư cá nhân trên toàn cầu.

Quan trọng hơn, nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng cũng đang giúp kim loại quý này tránh được áp lực tiêu cực từ đà tăng mạnh của đồng USD. Nhờ đà tăng mạnh từ năm ngoái, giá vàng tiếp tục đi lên trong năm nay, từ mức 2.650 USD/ounce vào đầu tháng 1 lên mức cao kỷ lục mới 2.820 USD/ounce. Những tín hiệu mới nhất về nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng đối với vàng càng củng cố triển vọng tích cực của chúng tôi. Chúng tôi duy trì dự báo giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025” - chuyên gia UOB dự báo.