Tuyên truyền, tư vấn cách sinh con theo ý muốn có thể bị phạt 30-60 triệu đồng

ANTD.VN - Tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, hành vi tư vấn, chẩn đoán hay lựa chọn giới tính thai nhi sẽ bị xử phạt tối đa tới 60 triệu đồng.

Hành vi siêu âm, chẩn đoán giới tính thai nhi có thể bị phạt tới 60 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Cụ thể, tại dự thảo Nghị định này, Bộ Y tế đề xuất mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về dân số là 30 triệu đồng (đối với cá nhân) và 60 triệu đồng (đối với tổ chức).

Bộ Y tế nêu rõ, các hành vi vi phạm quy định về dân số gồm: vi phạm về tuyên truyền, phổ biến thông tin về dân số; tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi; lựa chọn giới tính thai nhi; cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Cũng tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đề xuất mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế (BHYT) là 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức.

Bộ Y tế chỉ rõ các vi phạm quy định về BHYT gồm: vi phạm về đóng BHYT; đưa người không thuộc trách nhiệm quản lý vào danh sách của cơ quan, tổ chức để tham gia BHYT; xác nhận không đúng mức đóng của đối tượng tham gia BHYT; sử dụng thẻ BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh; lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có người bệnh…

Về lĩnh vực khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề xuất mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức cũng được áp dụng cho hành vi: Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến; lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới 18 tuổi; ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định…

Về lĩnh vực tiêm chủng, tại dự thảo Nghị định, Bộ Y tế đề xuất mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện hoặc cản trở trẻ em, phụ nữ có thai sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng;

Không tư vấn đầy đủ cho người được tiêm chủng hoặc gia đình trẻ được tiêm chủng về lợi ích và những rủi ro có thể gặp phải khi tiêm chủng; Không hướng dẫn người được tiêm chủng hoặc gia đình trẻ được tiêm chủng cách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng…