Tuyển sinh lớp 10 THPT: Không cần căng thẳng

ANTĐ - “Học sinh, phụ huynh quá vất vả với luyện thi vào lớp 10 THPT, trong khi đó đề thi chỉ tập trung trong nội dung chương trình lớp 9, có câu hỏi khó thì cũng chỉ chiếm tối đa 1 điểm. Học quá nhiều sẽ khiến học sinh rối trí, căng thẳng không cần thiết” - GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ.

Học sinh lớp 9 đang ở giai đoạn ôn thi căng thẳng trước mùa tuyển sinh 2013

Thầy trò đều lo

Mặc dù theo kế hoạch của Sở GD-ĐT, việc ôn luyện cho học sinh lớp 9 trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT phải được tiến hành liên tục từ đầu năm học nhưng thực tế, đến thời điểm này các trường mới chính thức bước vào giai đoạn nước rút. Theo đó, phần lớn các trường đã hoàn thành điểm tổng kết và chủ yếu dồn tiết cho 2 môn Văn và Toán để ôn thi cho học sinh.

Một giáo viên trường THCS Giảng Võ cho biết, việc ôn thi lớp 9 diễn ra khá căng thẳng bởi dù nhiều học sinh có trình độ khá giỏi nhưng không giáo viên nào dám chắc là những em này có thể đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới. “Cứ tính điểm đầu vào trường Kim Liên hay Phan Đình Phùng là 54 điểm, nếu một học sinh đạt cả 4 năm học giỏi THCS và thi nghề loại giỏi thì cũng mới được 21,5 điểm. Như vậy, với 2 môn Văn và Toán các em phải đạt 8 và 8,25 điểm. Chính vì vậy, việc ôn các dạng bài tập, kiến thức trong chương trình lớp 9 phải rà soát nhiều lần trong khi thời gian chỉ có khoảng 20 buổi cho mỗi môn là không đủ…” - giáo viên này phân tích.

Trong khi đó, theo GS. Văn Như Cương, với đề thi lớp 10 THPT của Hà Nội, nhiều năm nay các dạng câu hỏi đều chỉ nằm trong chương trình lớp 9, không có các câu hỏi đánh đố, câu hỏi khó chỉ chiếm 1/2 đến 1 điểm thì phụ huynh, học sinh không cần phải quá căng thẳng. “Ôn thi không đúng phương pháp, gây quá tải lại làm các em rối trí, căng thẳng không cần thiết. Việc luyện thi cần thiết có chăng chỉ là vào các lớp chuyên” - GS. Văn Như Cương nhận xét.

Chỉ 1 điểm cho đề mở

Bàn về đề thi lớp 10 THPT năm nay, đại diện phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, yêu cầu chủ yếu là học sinh nắm vững chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học. “Đề thi nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 9. Với yêu cầu đề thi năm nay, học sinh từ trung bình trở lên có thể đạt từ 6 đến 9 điểm. Học sinh giỏi có thể đạt đến mức tối đa”.

Một trong những điểm lưu ý với giáo viên, học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi lần này là việc soạn thảo đề thi sẽ được tiến hành bắt thăm, rơi vào phần kiến thức nào thì người ra đề thi sẽ phải tập trung câu hỏi vào phần đó chứ không phụ thuộc vào chủ quan của người ra đề. Chính vì vậy, Sở GD-ĐT không có giới hạn trong kiến thức ôn thi và người học không nên học “tủ”.

Đề thi Văn năm nay, theo Sở GD-ĐT Hà Nội, sẽ bao gồm phần đề mở, khoảng 1 điểm, dành cho học sinh giỏi. Mục tiêu của phần đề này là để chọn ra học sinh có tư duy sáng tạo, có cách suy nghĩ liên hệ thực tế tốt. Mặc dù đây là câu hỏi mở, yêu cầu tính sáng tạo cao nhưng thang điểm đối với câu hỏi này cũng được quy định rõ ràng, yêu cầu học sinh trả lời được những nội dung cụ thể mới được tính điểm. Tương tự đối với đề thi Toán, học sinh giỏi sẽ có 1 câu hỏi nhỏ thuộc phần hình học chiếm 0,5 điểm và một câu thuộc phần khác cũng chiếm 0,5 điểm để chứng tỏ khả năng tư duy tốt của mình nếu muốn bài thi đạt điểm tối đa.