Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015: Lo rối khi thí sinh có thể đăng ký 16 nguyện vọng

ANTĐ - Kỳ tuyển sinh ĐH năm nay có nhiều thay đổi khi sử dụng kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia thay vì tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ riêng như mọi năm. Với thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT, theo quy định mới, thí sinh dự kiến được đăng ký tối đa lên đến 16 nguyện vọng.

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015: Lo rối khi thí sinh có thể đăng ký 16 nguyện vọng  ảnh 1Thí sinh dự kiến được ưu tiên tối đa với 16 nguyện vọng xét tuyển

Thí sinh có rất nhiều phương án để chọn lựa

Một trong những điểm thí sinh quan tâm nhất trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ là mỗi thí sinh được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng vì điều này có thể tăng cơ hội trúng tuyển cao nhất đối với thí sinh. Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 dự kiến thay đổi hẳn về cách đăng ký tuyển sinh. Theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, mỗi thí sinh đã đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt. Mỗi đợt xét tuyển, thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng. Nếu thí sinh nộp nhầm giấy chứng nhận để đăng ký vào đợt xét tuyển khác thì phần mềm xét tuyển sẽ không nhận.

 Mặc dù tại một thời điểm, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào một trường nhưng không đồng nghĩa với việc thí sinh chỉ có một nguyện vọng duy nhất. Theo ông Mai Văn Trinh, thí sinh được phép chọn tối đa 4 ngành trong một trường. Ngoài ra, trong thời gian xét tuyển, thí sinh vẫn được phép rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác. 

Lợi cho thí sinh - phức tạp với nhà trường

Với mục đích đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra 4 giấy chứng nhận kết quả thi cho 4 đợt tuyển sinh. Đồng thời, thí sinh có nhiều thuận lợi hơn khi chỉ đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi thay vì đăng ký trước như trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước.

Bộ GD-ĐT cho biết, với cách thức này, tình trạng hồ sơ “ảo” như mọi năm sẽ được hạn chế. Tuy nhiên, thông tin này đem đến lo ngại lớn cho các trường về cách thức tuyển sinh. Đồng tình với việc tạo thuận lợi cho thí sinh trong tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, việc có tới 4 giấy chứng nhận kết quả thi cho mỗi thí sinh là quá nhiều. Ông Vũ Văn Hóa đặc biệt lo ngại về việc các trường sẽ phải đối mặt với tình trạng đăng ký “ảo” khi mỗi thí sinh có thể đăng ký tới 4 ngành của cùng 1 trường.

Cũng theo quy định mới, các trường ĐH, CĐ sẽ phải công bố công khai các thông tin liên quan đến từng đợt xét tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển và đăng ký nhập học của mỗi đợt xét tuyển với tần suất cập nhật 3 ngày một lần trên trang thông tin điện tử của trường. Chỉ khi trường cập nhật đăng ký xét tuyển trường hợp nào thì hệ thống mới chuyển dữ liệu của thí sinh về trường và khóa không cho thí sinh đó tiếp tục đăng ký xét tuyển. 

Bên cạnh đó, khi thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ, các trường phải cập nhật ngay trên hệ thống đăng ký của trường mình, khi đó thí sinh mới có thể đăng ký vào trường khác. Mặc dù, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện việc quy định về thông tin, tuy nhiên với tình trạng cập nhật dữ liệu xét tuyển như những kỳ tuyển sinh vừa qua, không ít người lo ngại rằng quyền lợi của thí sinh sẽ bị ảnh hưởng khi có hàng triệu lượt thí sinh tham dự xét tuyển.

Với quy chế mới về tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày. Các thí sinh cần lưu ý, điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau sẽ không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31- 10 hàng năm đối với trường ĐH và 15 -11 hàng năm đối với trường CĐ.