Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Sẽ chuyển từ “đóng” sang “mở”

ANTĐ - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định không thể không đổi mới tuyển sinh đại học. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải xem xét thận trọng việc đổi mới thi tuyển vào ĐH vì liên quan đến cả xã hội, đổi mới nhưng không để thí sinh bị thiệt thòi và phải lựa chọn được những người xứng đáng.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Sẽ chuyển từ “đóng” sang “mở”  ảnh 1
Đổi mới hình thức tuyển sinh đại học phải đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh

Nóng bỏng thi chung - thi riêng
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, tuyển sinh luôn là vấn đề nhạy cảm nên việc đổi mới công tác tuyển sinh ĐH-CĐ phải được kiểm soát. Trong giai đoạn quá độ (từ 2014 đến 2016), Bộ sẽ hỗ trợ các trường chưa đủ năng lực tự chủ tuyển sinh hoặc chưa chuẩn bị kịp phương án. Sau năm 2016, chủ trương tất cả các trường sẽ tự chủ tuyển sinh. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm, do xuất phát điểm của các trường không đồng đều nên các trường đại học quốc gia, đại học vùng và trường đại học trọng điểm cần có kế hoạch thực hiện tuyển sinh riêng sớm, thể hiện vai trò đầu tàu đổi mới của hệ thống giáo dục  đại  học. Trong năm  2014 nhóm các trường này có thể tuyển sinh riêng ở một số khoa, ngành. Những năm tiếp theo cần triển khai tuyển sinh riêng cho tất cả các ngành.  Tuy nhiên, nhiều trường nêu không ít khó khăn về vấn đề này. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Cao Xuân Quang cho rằng các trường tuyển sinh riêng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và yêu cầu Bộ có hướng dẫn cụ thể trong xây dựng đề án tuyển sinh riêng, xét tuyển và công bố các tiêu chí để đánh giá các đề án rõ ràng hơn.  PGS. TS Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn nêu quan điểm, nếu dừng toàn bộ “3 chung” trong năm 2014 hoặc sang năm 2015 thì rất khó. Ông phân tích: “Bản thân tôi thấy chưa có giải pháp thi nào tốt hơn “3 chung” hiện nay. Để phù hợp với xu thế hội nhập và Luật Giáo dục ĐH thì phải thực hiện giao tự chủ tuyển sinh cho các trường. Tuy nhiên, nếu giao mà không có chuẩn bị, kiểm soát sẽ dễ dẫn đến quay về tuyển sinh như trước đây với nhiều băn khoăn, lo lắng. Trước hết là khâu ra đề thi, khi các trường được tự chủ tuyển sinh, các giảng viên giỏi sẽ đi luyện thi, đồng thời khó bảo đảm có đề thi tốt…”. Với ĐH Quy Nhơn, ông Nguyễn Hồng Anh cho biết sẽ cố gắng chuẩn bị trong 2 năm nữa và phải đi học hỏi nhiều trường mới làm tốt công việc này. Ông cũng bày tỏ sự lo ngại với những trường chưa đủ năng lực để tổ chức một kỳ thi tuyển sinh bài bản.Nhấn mạnh công tác thanh tra, kiểm tra
Giao tự chủ phải đồng thời có cơ chế kiểm soát. Với bước đầu đổi mới trong kỳ tuyển sinh 2013, Bộ GD-ĐT đã chỉ ra những sai phạm cần rút kinh nghiệm như việc xác định chỉ tiêu không đúng quy định, tình trạng chấm lỏng so với đáp án. Việc không thông báo công khai kết quả thi của thí sinh trên trang web của các trường thuộc khối quân đội, công an đã bị kẻ xấu lợi dụng. Kết quả thanh tra cho thấy có 4 trường ĐH, CĐ buộc phải đình chỉ tuyển sinh 17 ngành thuộc 8 trường và không xét thi đua khen thưởng đối với những trường có vi phạm. 6 trường đã bị dừng tuyển sinh năm 2013 đối với 7 ngành (trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, trường ĐH Tân Tạo, ĐH Đồng Tháp, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, CĐ Bách khoa Hưng Yên, CĐ Kinh tế  - Kỹ thuật Vinatex TP Hồ Chí Minh) và thu hồi quyết định đào tạo của 5 ngành của 2 trường ĐH Lương Thế Vinh và ĐH Chu Văn An. Thanh tra Bộ cũng xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với 17 trường ĐH, CĐ, cảnh báo các trường cần bổ sung đội ngũ cho ngành chưa đủ số lượng tối thiểu giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đúng chuyên ngành. Bộ GD-ĐT cho biết, năm tới, công tác thanh tra của Bộ GD-ĐT sẽ được nâng cao chất lượng, tập trung vào các vấn đề bức xúc. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với UBND Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tổng kết, đánh giá hoạt động thanh kiểm tra của địa phương để giải quyết những vấn đề phát sinh của cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn. Trước không ít băn khoăn về đổi mới tuyển sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ: “Nếu tôi làm hiệu trưởng tôi cũng đề nghị giữ 3 chung”. Tuy nhiên, theo ông, đến thời điểm này, đổi mới tuyển sinh cũng như việc chuyển hệ thống giáo dục từ “đóng” sang “mở” là điều sớm muộn cũng phải thực hiện, là việc dứt khoát phải làm. Bộ trưởng khẳng định, phương châm đổi mới tuyển sinh sẽ chu đáo, chắc chắn, cẩn thận nhưng không trì trệ, chậm trễ. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đổi mới phải sâu rộng hơn

“Hiện nay không có một nước nào như Việt Nam, trường đại học nào cũng gọi là University, không cần biết nghĩa là gì. Trong University lại có một University khác trong trường đó, hay nâng cấp một trường cao đẳng ở địa phương lên đại học cũng là University. Ngay tên gọi chưa đâu vào đâu thì làm sao chúng ta hội nhập được, làm sao đòi học sinh tốt nghiệp một trường như vậy sang học tiếp một trường trên thế giới? Chúng ta đã có đổi mới, đã có nhiều quyết sách quan trọng tạo động lực đi lên, nhưng đứng trước thách thức, đòi hỏi phải đổi mới sâu hơn, rộng hơn, lên một tầm mới. Nếu một quốc gia không tìm được lợi thế của mình, không chủ động thì nhất định thua. Ngày xưa thua mất 10 năm thì bây giờ chỉ cần thua 1 năm sẽ bằng hậu quả của 10 năm trước. Đổi mới trong giáo dục thì bậc ĐH phải làm trước một bước, vì đối tượng từ giảng viên tới sinh viên đều có nhận thức cao hơn so với phổ thông, sát với đầu ra của xã hội nhất. Số liệu thống kê cho thấy 30% sinh viên tốt nghiệp chưa xin được việc. Điều này cho thấy chất lượng đào tạo thực sự có vấn đề. Không có cách nào khác là đi lên, và đổi mới giáo dục đào tạo nhất định phải quyết liệt, nhưng bình tĩnh”.