Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Mất lợi thế “sân nhà”

ANTĐ - Quyền lợi “sân nhà” ở đây được hiểu là ưu tiên cho những thí sinh đã đăng ký nguyện vọng 1 vào trường nhưng không đỗ thì được chủ động chuyển sang các ngành khác còn chỉ tiêu. Tuy nhiên cách làm này của các trường đang bị Bộ GD-ĐT “tuýt còi” vì thiếu công bằng.

Liên tục chấn chỉnh

Không dễ kiểm soát các trường trong việc công khai thông tin tuyển sinh

Khởi động mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, Bộ GD-ĐT liên tục ban hành các văn bản chấn chỉnh hình thức thu hút thí sinh của các trường. Nhân cơ hội được mở rộng tuyển sinh thêm khối A1, một số trường đã đặc cách tuyển thí sinh khối B cho các ngành kinh tế - tài chính. Điều này được cho là thuận lợi cho thí sinh khi mà nguồn tuyển khối A, D bị cạnh tranh gay gắt trong khi khối B, phần lớn thí sinh tập trung thi vào ngành y, dược, công nghệ sinh học... là những ngành đào tạo có điểm chuẩn cao nên tỷ lệ thí sinh điểm cao mà không trúng tuyển nguyện vọng 1 cũng nhiều. Trước tình trạng này, bà Hoàng Thị Lan Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã yêu cầu những thông báo tuyển sinh khối B ngành kinh tế - tài chính phải gỡ bỏ các thông tin nói trên vì chủ trương này chưa được Bộ cho phép.

Đáng chú ý là việc Bộ không đồng ý với hình thức “tận dụng” trong tuyển sinh của các trường khi tạo điều kiện cho thí sinh trượt nguyện vọng 1 vào trường mình được chủ động chuyển sang các ngành khác còn chỉ tiêu. Hiện nay, lợi thế nhất thuộc về các thí sinh đăng ký dự thi vào 2 ĐHQG khi cả ĐHQG TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều áp dụng phương pháp này. Theo đó, một số khoa, trường thành viên thông báo cách xét tuyển những ngành còn chỉ tiêu với những thí sinh trượt nguyện vọng 1 vào trường mình cùng với thời điểm phát giấy báo dự thi. Dự kiến, hình thức này không chỉ áp dụng với một trường thành viên mà còn có thể mở rộng ra các ngành còn lại ở các trường thành viên trong cùng hệ thống nếu còn chỉ tiêu, cùng khối thi. Bên cạnh đó, khá nhiều trường ĐH trên cả nước cũng áp dụng biện pháp này để tận dụng tuyển sinh triệt để những thí sinh đã dự thi vào trường mình, dẫn tới tình trạng không có nhu cầu tuyển nguyện vọng 2 đối với thí sinh dự thi vào các trường khác.

Chịu trách nhiệm trong việc công khai thông tin  

Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM thì hình thức xét tuyển này vừa đáp ứng nguyện vọng của thí sinh đồng thời giúp các trường chủ động với những ngành khó tuyển, đảm bảo chỉ tiêu cho các trường. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi các thí sinh thi vào các trường này có cơ hội lớn để trúng tuyển vào các ngành khác thì những thí sinh dự thi trường khác lại không có được cơ hội như vậy bởi thông tin chỉ tiêu các ngành còn cho nguyện vọng 2 chỉ được công bố sau khi hoàn thành việc xét tuyển nói trên.

Bàn về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng như vậy sẽ tạo sự không công bằng giữa các thí sinh. Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã chính thức yêu cầu các trường phải tiến hành xét tuyển nguyện vọng 2 đúng quy định để đảm bảo công bằng với tất cả các thí sinh. Các trường không được quy định chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh đã dự thi vào trường mình, không được đặt ra những quy định trái với quy chế tuyển sinh hiện hành. Theo đó, tất cả thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển hợp lệ, đầy đủ thủ tục, đúng quy định và bảo đảm các điều kiện của trường đã công bố, kể cả trường thí sinh đã dự thi, đều được xét tuyển bình đẳng như nhau, trên nguyên tắc lấy điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu cần tuyển, không phân biệt thí sinh đó đã dự thi tại trường nào. 

Các trường sẽ cấp cho các thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn hệ cao đẳng (theo từng khối thi, đối tượng dự thi và khu vực tuyển sinh) hai giấy chứng nhận kết quả thi có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi để thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định của các trường. Sau khi xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học đối với thí sinh đăng ký dự thi vào trường hoặc vào các ngành của trường, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai điều kiện xét tuyển bổ sung (chỉ tiêu cần xét tuyển; ngành và khối xét tuyển; mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển mỗi đợt; thời gian công bố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển, thời gian nhập học...) để thí sinh biết và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và quyền lợi của thí sinh.