Tuyến phố an toàn thực phẩm: Lơ là kiểm tra, vi phạm sẽ tái diễn

ANTD.VN - Trong năm 2019 này, Hà Nội sẽ triển khai thêm 14 tuyến phố an toàn thực phẩm (ATTP) có kiểm soát ở nội thành. Thế nhưng, từ thực tiễn triển khai thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc rất gian nan…

Hà Nội sẽ nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát trong năm 2019

Thay đổi thói quen kinh doanh dịch vụ ăn uống

Thời gian qua, tại Hà Nội, nhiều tuyến phố vốn tập trung nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống đã được tổ chức lại, trở thành những tuyến phố ATTP có kiểm soát được gắn biển và được thành phố công nhận như: phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy), phố Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ, Đống Đa), phố Nguyễn Sơn, chợ ẩm thực Ngọc Lâm (quận Long Biên)…

Nhìn chung, tại các tuyến phố ATTP có kiểm soát đều có sự thay đổi rõ rệt cả về cảnh quan lẫn ý thức chấp hành quy định về ATTP của người kinh doanh và người tiêu dùng.

Chẳng hạn tại quận Long Biên, 3 tuyến phố được chọn để triển khai mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát gồm phố Nguyễn Sơn, Việt Hưng và Chợ Ẩm thực Ngọc Lâm. Sau 9 tháng triển khai, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống trong 3 tuyến phố này đều khang trang hơn, đạt các tiêu chí về ATTP và văn minh thương mại. 87 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở đây đã được gắn biển Cơ sở ATTP có kiểm soát.

Hay tại quận Cầu Giấy, kể từ khi được chọn để triển khai tuyến phố ATTP có kiểm soát, tuyến phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu) đã có sự thay đổi rất rõ rệt. Hiện ở tuyến phố này tập trung 35 cơ sở dịch vụ ăn uống, phục vụ khoảng hơn 5.000 lượt khách/ngày. Đối tượng phục vụ chủ yếu là cán bộ, nhân viên văn phòng.

Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết, thời gian đầu, khi phố Duy Tân được chọn làm thí điểm tuyến phố ATTP có kiểm soát, công tác triển khai rất khó khăn. Một số chủ cơ sở còn chưa ủng hộ do thói quen kinh doanh từ lâu nay, một số cơ sở kinh doanh thường xuyên đổi chủ, chuyển địa điểm, một số hộ kinh doanh chưa bảo đảm điều kiện ATVSTP, một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thực phẩm…

Vì thế, lực lượng chức năng của quận và phường phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, tư vấn, kịp thời nhắc nhở, xử lý các hộ vi phạm. Thậm chí, đoàn kiểm tra liên ngành quận, phường đã tiến hành kiểm tra các cơ sở trên tuyến phố Duy Tân bình quân tới 2 lượt/ tuần/1 cơ sở. Kết quả đã phê bình trên loa truyền thanh phường: 5 cơ sở; nhắc nhở tại chỗ 15 cơ sở; phạt tiền 3 cơ sở...

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo ATTP của quận, phường đã tập trung kinh phí để triển khai kế hoạch đạt hiệu quả với tổng số tiền hơn 450 triệu đồng để thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ một số trang thiết bị cho các cơ sở. Từ đó, bộ mặt của tuyến phố ATTP có kiểm soát dần thay đổi, nhất là những người bán hàng ở đây đã thay đổi nhận thức trong hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Tại các tuyến phố ATTP có kiểm soát, công tác kiểm tra được ATTP phải được thực hiện thường xuyên

Gian nan nhân rộng tuyến phố ATTP mới

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, để được công nhận tuyến phố ATTP có kiểm soát thì điều kiện đầu tiên là tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong tuyến phố đó phải tuân thủ triệt để các quy định ATTP và có trên 20 cơ sở trở lên được chính quyền treo biển Cơ sở ATTP có kiểm soát.

Năm 2018 là năm đầu tiên Hà Nội triển khai triển khai thực hiện mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát. Đây là một sự thay đổi đột phá cả về tư duy và quyết tâm trong công tác quản lý, nhằm cải thiện tình trạng ATTP của thành phố.

Thực tế từ năm 2017, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo 2 đơn vị xây dựng điểm mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát nhưng chỉ có 1 đơn vị xây dựng thành công tại Thượng Đình (quận Thanh Xuân). Đến năm 2018, thành phố xây dựng thêm 8 tuyến phố tại các quận, huyện.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên cơ sở đánh giá công tác tổ chức 8 tuyến phố ATTP có kiểm soát thời gian vừa qua, Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Dự kiến trong năm 2019, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai 14 tuyến phố ATTP tại 12 quận, huyện, tập trung chủ yếu vào khu vực nội thành.

Dù vậy, từ thực tiễn triển khai vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng việc nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát còn rất nhiều gian nan và cần quyết tâm rất lớn. Bà Trần Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho rằng, hình thành được tuyến phố ATTP có kiểm soát đã khó, duy trì được càng khó hơn vì lực lượng cán bộ thực hiện kiểm tra ATTP cấp quận, phường rất mỏng. Trong khi đó, chỉ cần chủ quan, lơ là thì việc vi phạm rất dễ xảy ra.

“Chúng tôi quán triệt rằng, những cơ sở đã được công nhận ATTP có kiểm soát không có nghĩa là không bị kiểm tra, giám sát nữa. Thậm chí nếu phát hiện vi phạm thì sẽ bị phạt nặng” - bà Hương nói.

Đồng quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, qua rà soát, đánh giá, để triển khai được các tuyến phố ATTP có kiểm soát cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người dân.