Tuyên chiến với thuốc lá

ANTĐ - Không có biện pháp quyết liệt và đồng bộ hơn thì trong tương lai, thuốc lá có thể còn cướp thêm sinh mệnh của 2 triệu người mỗi năm  so với 6 triệu người đã chết vì các bệnh do hút thuốc lá hiện nay.

Tuần hành kêu gọi cấm hút thuốc lá tại Hàn Quốc

Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 10-7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận những thành công bước đầu trong việc nâng cao nhận thức phòng, chống hút thuốc lá trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, WHO cũng thúc giục cộng đồng quốc tế và mỗi quốc gia cần tiến hành quyết liệt và đồng bộ hơn nữa cuộc chiến chống thuốc lá để giảm bớt số nạn nhân liên quan đến thói quen gây chết người này.

Theo đánh giá của WHO, hiện có 3 tỷ người trên thế giới thực hiện các biện pháp phòng, chống thuốc lá, tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Cũng trong thời gian này, 32 quốc gia đã ban hành luật cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc, nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng. 

WHO cho rằng việc chống quảng cáo thuốc lá và các sản phẩm có liên quan là một trong những biện pháp hiệu quả nhất. Hiện có 24 quốc gia với tổng dân số 694 triệu người đang áp dụng các biện pháp này, song vẫn còn 67 nước khác lại không hề có chính sách hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp thuốc lá và cũng không ban hành lệnh cấm quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy đạt được một số kết quả ban đầu, song phòng, chống thuốc lá vẫn là một cuộc chiến nan giải trên thế giới hiện nay, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Không chỉ có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất (gần 50% với nam giới và hơn 10% với nữ giới), số người hút thuốc lá tại các nước đang phát triển có chiều hướng tăng ở mức báo động, đặc biệt số phụ nữ và trẻ em hút thuốc lá ngày càng tăng.

Thống kê của WHO cho thấy, hiện khoảng 20% dân số thế giới hút thuốc lá (khoảng 1,4 tỷ người) và điều đặc biệt đáng quan tâm là độ tuổi người nghiện thuốc ngày càng “trẻ hóa”. Hình ảnh các trẻ em, cả trai và gái, ở độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi “phì phèo” điếu thuốc trên môi không còn là hiện tượng cá biệt. 

Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan, hiện hàng năm khoảng 6 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra, trong đó có gần 600 nghìn người hút thuốc lá thụ động. WHO ước tính đến năm 2030, thói quen nguy hại này sẽ giết chết 8 triệu người mỗi năm, chủ yếu ở các nước có thu nhập vừa và thấp. 

WHO kêu gọi các nước cấm mọi hình thức quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá để giảm thiểu số người hút thuốc lá, đặc biệt để giúp thanh niên tránh khỏi tình trạng nghiện thuốc lá. Nghiên cứu cho thấy khoảng 1/3 số thanh niên trên thế giới hút thuốc lá do việc quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá và 78% thanh niên trong độ tuổi từ 13 đến 15 thường xuyên xem quảng cáo thuốc lá.

Tổng Giám đốc WHO cho rằng nếu các quốc gia không nỗ lực cấm quảng cáo thuốc lá, hạn chế sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc lá, thì ngành công nghiệp này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh và thu hút giới trẻ sử dụng sản phẩm chết người này. Bà Margaret Chan cũng nhấn mạnh mỗi quốc gia phải có trách nhiệm bảo vệ người dân khỏi những căn bệnh nguy hiểm do thuốc lá gây ra bằng các biện pháp quyết liệt và đồng bộ.