“Tuyên bố Hà Nội” là di sản đóng góp cho toàn thế giới

ANTĐ - Tại cuộc họp báo chiều 1-4, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 - IPU 132 tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Đồng chủ trì phiên họp, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Saber Chowdhury khẳng định, Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại IPU 132 sẽ là di sản, đóng góp quan trọng của Việt Nam cho thế giới.

“Tuyên bố Hà Nội” là di sản đóng góp cho toàn thế giới ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại buổi họp báo

- PV: Đến thời điểm này, có thể khẳng định IPU 132 đã thành công, thưa ông?

- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Không chỉ với Việt Nam, đây còn là sự kiện rất quan trọng về đối ngoại, chính trị, hợp tác ở phạm vi toàn cầu. Với tư cách Chủ tịch Đại hội đồng IPU 132, tôi vui mừng thông báo đến thời điểm này, từ lễ khai mạc, các hoạt động trong khuôn khổ IPU 132 đều đã diễn ra một cách suôn sẻ, đúng trình tự, khẩn trương và đầy trách nhiệm. Chủ đề chung mà Việt Nam đề xuất tại Đại hội đồng lần này về “Các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015: Biến lời nói thành hành động” thể hiện tính thời sự, cần thiết, được các nghị viện thành viên, nghĩ sĩ ủng hộ, đánh giá cao và tham gia thảo luận tích cực, sôi nổi, trách nhiệm. Cả 4 dự thảo Nghị quyết quan trọng thảo luận tại kỳ họp này đều được IPU thông qua.

Thành công của IPU 132 chứng tỏ sự tham gia ngày càng tích cực, tiếng nói mạnh mẽ của IPU trên toàn cầu, đồng thời sẽ góp phần định hình bước phát triển tiếp theo của nghị viện các nước thành viên và nhân dân thế giới.

- PV: Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đánh giá như thế nào về khâu tổ chức và những đóng góp cụ thể của Việt Nam trong thành công chung của IPU 132? Ông ấn tượng nhất với đóng góp nào của các đại biểu Quốc hội Việt Nam?

- Chủ tịch IPU Saber Chowdhury: Việt Nam đã tổ chức kỳ họp rất tốt, nâng chuẩn tổ chức IPU lên một tầm cao mới. Còn về nội dung, đóng góp lớn nhất của Việt Nam là chọn lựa chủ đề, chủ đề này đã định hình cho toàn bộ các phiên thảo luận tại IPU 132. 

Tôi đảm nhận chức Chủ tịch IPU vào năm 2006 từ IPU 126, bây giờ là kỳ đại hội IPU 132 và có thể nói Đại hội đồng lần này đã đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi. Những lần đại hội trước, chúng tôi bàn nhiều đến xác định vấn đề, miêu tả vấn đề và lồng ghép nhưng tại kỳ họp lần này đã hình thành một xu hướng mới, cách tiếp cận mới theo hướng tập trung thảo luận để tìm giải pháp giải quyết. Có thể nói, IPU 132 tại Hà Nội là dấu mốc cho thấy nhận thức của chúng ta và cách thức tiếp cận đã thay đổi, trong đó mỗi nghị quyết được thông qua đều nhằm biến đổi cuộc sống của người dân, đặt người dân vào vị trí trung tâm.

“Tuyên bố Hà Nội” là di sản đóng góp cho toàn thế giới ảnh 2Chủ tịch IPU Saber Chowdhury

- PV: IPU 132 đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về mục tiêu phát triển bền vững. Vậy Tuyên bố này sẽ tác động như thế nào đến Quốc hội, nhân dân Việt Nam cũng như các nghị viện thành viên IPU và nhân dân thế giới, thưa ông?

- Chủ tịch IPU Saber Chowdhury: Tên gọi Tuyên bố Hà Nội hoàn toàn đúng ý nghĩa của nó vì nó được Quốc hội Việt Nam đề xuất, soạn thảo và thông qua tại Hà Nội. Tuyên bố Hà Nội là di sản, sự đóng góp của Việt Nam cho toàn thế giới. Chúng tôi sẽ trình văn kiện này tại hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc cuối năm nay. Còn với mỗi nghị viện các nước thành viên, sau khi về nước, các nghị viện sẽ điều chỉnh, thực hiện các cam kết chung tại Hà Nội, biến các cam kết thành chính sách, giám sát thực hiện.

- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Sau khi Tuyên bố Hà Nội được thông qua, thời gian tới, Quốc hội Việt Nam cũng như Quốc hội các nước thành viên phải triển khai để chuyển từ lời nói thành hành động. Cụ thể là phải đưa ra các mục tiêu để hành động, quyết định nhiều chủ trương quan trọng liên quan đến ngân sách Nhà nước, tiến hành giám sát, chuyển hóa chính sách thành những hành động của Chính phủ, của nhân dân, để người dân tự mình giải quyết các mục tiêu Thiên niên kỷ về phát triển bền vững. Việt Nam cam kết tiếp thu và làm tốt hơn nữa công tác này.

Dân chủ trong kỷ nguyên công nghệ số: Cần ngăn chặn việc lấy cắp thông tin qua mạng

Đây là nội dung được đề cập tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng IPU 132 sáng 1-4, về chủ đề: “Dân chủ trong kỷ nguyên công nghệ số và sự đe dọa quyền riêng tư và các quyền tự do cá nhân cơ bản”. Các đại biểu đều nhấn mạnh, công nghệ số hiện đang có sự phát triển mạnh mẽ, làm cho xã hội được minh bạch hơn song điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mối nguy hiểm cho bất cứ cá nhân và tổ chức nào. Điều cần cảnh báo nữa là các tổ chức khủng bố, phản động thường “ẩn mình” trong thế giới ảo và chúng có thể có trong tay mọi thông tin của cá nhân, tổ chức mà chúng nhắm vào.