Tụt dốc không phanh

ANTĐ - Đâu là nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam thụt lùi trước trước sự tiến bộ của bóng đá khu vực? Trong hành trình đi tìm câu trả lời, người ta ngạc nhiên khi biết bóng đá Thái Lan đã xây dựng một loạt học viện đào tạo trẻ cách đây hơn chục năm thì ở ta mới có duy nhất Học viện HAGL Arsenal JMG. Và khi người Thái tự hào có Teerasil Dangda đang chơi tại La Liga thì Học viện HAGL Arsenal JMG chưa xuất khẩu được học viên nào. 

Bóng đá nam tụt dốc không phanh trong khi bóng đá nữ cũng không còn là “phao cứu sinh” thành tích

Không khỏi giật mình khi nhìn lại thành tích thi đấu quốc tế của bóng đá Việt Nam trong 1 năm qua: ĐT U23 bị loại từ vòng bảng SEA Games 2013; ĐTQG nữ mất ngôi Hậu SEA Games lẫn vé dự World Cup vào tay Thái Lan; ĐTQG nam không vượt qua nổi vòng sơ loại Asian Cup 2015; U19 nữ thua U19 nữ Thái Lan ở chung kết U19 Đông Nam Á 2014; U19 nam xếp sau U19 Indonesia ở giải U19 Đông Nam Á 2013 và sau đó bị U19 Myanmar đánh bại tại U22 Đông Nam Á 2014; U16 nam tuột chức vô địch giải U16 các CLB châu Á 2014 vào tay U16 Malaysia. Tại AFC Cup 2014, hai đại diện là Hà Nội T&T và Vissai Ninh Bình bị loại ở tứ kết, trong khi Indonesia có CLB Persipura, vào chơi bán kết. 

Đâu là nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam thụt lùi trước trước sự tiến bộ của bóng đá khu vực? Trong hành trình đi tìm câu trả lời, người ta ngạc nhiên khi biết bóng đá Thái Lan đã xây dựng một loạt học viện đào tạo trẻ cách đây hơn chục năm thì ở ta mới có duy nhất Học viện HAGL Arsenal JMG. Và khi người Thái tự hào có Teerasil Dangda đang chơi tại La Liga thì Học viện HAGL Arsenal JMG chưa xuất khẩu được học viên nào.

Càng giật mình hơn khi biết Myanmar đã âm thầm rót tiền xây 2 học viện bóng đá trẻ hoành tráng tại Pathein và Yangon, xin được 2 dự án đào tạo trẻ với tổng kinh phí 1,49 triệu USD từ FIFA… để chuyển mình từ nền bóng đá “chiếu dưới” vươn lên dẫn đầu lứa U19 Đông Nam Á. Thêm một so sánh là trong trận chung kết U22 Đông Nam Á vừa qua, đội bóng được đánh giá cao hơn về thể lực, kỹ thuật và lối chơi hiện đại là U19 Myanmar, chứ không phải U19 Việt Nam vốn vẫn tự hào có nhiều tuyển thủ được đào tạo bằng công nghệ Arsenal trong suốt 7 năm.

Thái Lan đã mất gần chục năm cho chiến dịch vươn tầm châu lục, còn Myanmar cũng mất chừng đó thời gian để tạm dẫn đầu giải trẻ khu vực. Trong lúc các nền bóng đá này đang thụ hưởng thành quả thì bóng đá Việt Nam  tụt dốc không phanh. Sự thụt lùi về thành tích chỉ dừng lại chừng nào những người có trách nhiệm dũng cảm đối mặt và “âm thầm xây nhà từ móng” như cách mà Thái Lan và mới đây là Myanmar đã làm.