Tưởng vậy mà không vậy

ANTĐ - Với những quy định chặt chẽ về kỷ luật lao động tại các doanh nghiệp cùng với nhu cầu khám chữa bệnh ngày một tăng cao, với tỷ lệ phủ bảo hiểm y tế (BHYT) tới gần 70% dân số cả nước, việc các cơ sở khám chữa bệnh có BHYT chi trả chỉ làm việc 5 ngày một tuần là một sự bất cập làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đa số người bệnh có thẻ BHYT. 
Tưởng vậy mà không vậy ảnh 1

Rất nhiều công nhân làm việc suốt tuần, chỉ nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật đã không được hưởng quyền lợi từ thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Những bất cập này có thể sẽ chấm dứt với Thông tư 16/2015/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Tài chính vừa ban hành sửa đổi khoản 5, điều 13 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24-11-2014. So với Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC, Thông tư 16 bỏ quy định cơ sở y tế quá tải mới được khám chữa bệnh BHYT vào thứ bảy, chủ nhật.

Thông tư 16 có hiệu lực từ ngày 1-9-2015 quy định: Cơ sở y tế nào có tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ nếu có thông báo trước cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, người bệnh cũng sẽ được hưởng BHYT. Đồng thời, người có thẻ BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT. Cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, phải công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng của người bệnh tham gia BHYT và phải thông báo trước cho người bệnh, người bệnh phải tự chi trả phần chi phí ngoài phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT (nếu có).

Tuy nhiên, tưởng vậy mà không phải vậy, để triển khai thông tư tuy đã có hiệu lực pháp lý nhưng chưa có hiệu lực trong đời sống là cả một quãng đường không ngắn. Còn có quá nhiều vấn đề. Trước hết là năng lực của các cơ sở y tế hiện có, cả về nhân lực và thiết bị chưa đủ để tổ chức khám chữa bệnh trong các ngày nghỉ trong tuần cũng như ngày lễ. Hầu hết các bệnh viện cũng như các cơ sở y tế cơ sở, ngày nghỉ trong tuần chỉ có bộ phận khám tự nguyện không BHYT hoạt động. Do vậy có thẻ BHYT cũng là vô dụng. Quy định của Thông tư 16/2015/TTLT-BYT-BTC không bắt buộc các cơ sở y tế phải tổ chức khám bệnh có BHYT chi trả vào ngày nghỉ, ngày lễ cũng sẽ kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến quyền lợi người có thẻ bảo hiểm.

Mặt khác, Thông tư 16 còn có thêm một câu: Cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, phải công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng của người bệnh tham gia BHYT và phải thông báo trước cho người bệnh, người bệnh phải tự chi trả phần chi phí ngoài phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT, có thể mở cửa cho các loại phụ phí mà nếu khám chữa bệnh trong tuần, người có BHYT không phải chi trả. 

Ý kiến của bà Lưu Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh với báo chí gần đây đã gây lo lắng không ít cho người bệnh: “Thông tư này đã mở ra một yếu tố pháp lý cho các bệnh viện, nhưng làm được hay không còn phụ thuộc vào từng đơn vị, cơ sở đó có đủ năng lực và nhân lực hay không. Bởi khám ngoài giờ thì phải có những khoản chi cho nhân viên làm ngoài giờ, phải có sự đồng thuận của người có thẻ BHYT để người ta chi trả thêm”.

Nhiều bệnh viện đã lập kế hoạch theo hướng: Để tổ chức khám chữa bệnh ngoài giờ thì cần phải có sự đồng thuận của các cán bộ viên chức trong bệnh viện. Khám ngoài giờ có lợi gì cho người dân và bác sĩ được hưởng quyền lợi gì. Để giải quyết hài hòa giữa hai bên, bệnh nhân sẽ được BHYT chi trả tiền thuốc, các cận lâm sàng và tiền khám bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ phải đóng thêm một phần chênh lệch tiền công khám bệnh. Tiền chênh lệch đó sẽ được bệnh viện trích ra để trả cho bác sĩ và tiền điện, nước... Những nỗi lo lắng của người bệnh càng có cơ sở. 

Có lẽ, để Thông tư 16 được triển khai một cách mạnh mẽ và rộng rãi, Bộ Y tế và BHXH cần có hướng dẫn và tuyên truyền cho các bệnh viện, theo đó, tất cả cơ sở khám chữa bệnh bắt buộc phải thực hiện khám chữa bệnh vào những ngày nghỉ, lễ  không thu thêm phụ phí nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua BHYT.