Tướng Trung Quốc lập luận như “một mớ bòng bong” và “ngây ngô như trẻ con”

ANTĐ - Việc một nước dùng sức mạnh quân sự để gây áp lực lên quốc gia khác không thể là con đường dẫn tới hòa bình, ổn định trong khu vực mà còn khiến tình hình ngày càng trở nên phức tạp hơn. Đó là thông điệp quan trọng trong những thông điệp được nhiều diễn giả đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh Châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 - diễn ra từ ngày 30-5 đến 1-6 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore - do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức. 

Tạp chí Anh The Economist bình luận, quan điểm chung của các đại biểu tại Shangri-La là tướng Vương Quán Trung, đã “bảo vệ quan điểm của Trung Quốc một cách tệ hại, lập luận của ông ta vụng về và có phần trẻ con khi nói không phải Trung Quốc khiêu khích…”. Ảnh EFE

Tại diễn đàn này, lập luận của Trung Quốc trở nên lạc lõng. Không có chính nghĩa, Trung Quốc bị dồn vào thế bí và không trả lời được những câu hỏi đặt ra tại diễn đàn. Sau diễn đàn, giới học giả và giới truyền thông thế giới tiếp tục chỉ trích lập luận của tướng Vương Quán Trung và cho rằng lập luận của Trung Quốc “ngây ngô như một đứa trẻ”.

Trước những lời lẽ đanh thép của Washington và sự khẳng định sức mạnh của Tokyo ở châu Á đã khiến Bắc Kinh bị dồn vào thế bí và nổi đóa. Trong bài phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung đã cho rằng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản đã có những lời lẽ “khiêu khích” Trung Quốc. 

Nhà phân tích Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đánh giá: “Có lẽ phần tuyên bố của tướng Vương Quán Trung chủ yếu nhắm vào khán giả trong nước ở Trung Quốc nhiều hơn. Tôi nghĩ năm nay họ đã bị chỉ trích quá nhiều tại đối thoại. Tôi thấy rất đáng tiếc là tướng Vương đã không trả lời được nhiều câu hỏi. Ông ta dành đến 10 phút lòng vòng để nói về đường 9 đoạn nhưng không giải thích được cuối cùng nó là cái gì”.

Giáo sư Carl Thayer - một nhà nghiên cứu của Đại học New South Wales, Australia - nói Trung Quốc đơn phương giải thích luật quốc tế theo cách của họ. “Trung Quốc luôn nói là họ theo luật lệ quốc tế khác. Tôi vẫn luôn hỏi Trung Quốc: Luật khác đó là luật nào? Sau đó, họ vận dụng lịch sử, nhưng đó lại là lịch sử mà họ nhào nặn”.

Tạp chí Anh The Economist bình luận, quan điểm chung của các đại biểu tại Shangri-La là tướng Vương Quán Trung, đã “bảo vệ quan điểm của Trung Quốc một cách tệ hại, lập luận của ông ta vụng về và có phần trẻ con khi nói không phải Trung Quốc khiêu khích, mà các nước khác đã làm như vậy”. Để rồi cuối cùng, ông Vương Quán Trung đã phải ngắc ngứ trước hàng loạt câu hỏi về “đường chín đoạn”.

Trong bài bình luận trên Tạp chí The National Interest (Mỹ), nhà phân tích Abraham Denmark thuộc Cục Nghiên cứu châu Á của Mỹ khẳng định: “Bắc Kinh là nhân tố chính gây ra căng thẳng và khủng hoảng trong những cuộc tranh chấp này”. Ông Denmark cũng chỉ ra, cái gọi là tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thông qua “đường chín đoạn” chỉ dựa trên yếu tố lịch sử mơ hồ, hoàn toàn không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). 

Bình luận trên Stripe, Christian Le Miere, thành viên cao cấp của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược Mỹ chuyên về lực lượng hải quân và an ninh hàng hải, cho rằng biện minh của ông Wang đã sai hoàn toàn. “Bạn không thể tuyên bố chủ quyền rộng lớn của biển, chỉ vì bạn tin rằng bạn có quyền trong lịch sử với nó” - Le Miere nói. “Nó (cách nghĩ của ông Wang) là một mớ bòng bong và làm đảo lộn hệ thống quốc tế. Nó sẽ là một ý tưởng khủng khiếp”. 

Trong một diễn biến liên quan, ngày 4-6 mới đây, Tòa án trọng tài quốc tế La Haye (La Hay) đã giao thời hạn tới ngày 15-12-2014 Trung Quốc phải đệ trình các luận điểm và chứng cứ chống lại đơn kiện của Philippines, trong đó phản đối tính hợp pháp của các gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông, chồng lấn lãnh thổ trên biển của nhiều quốc gia trong khu vực.