Tương tác với thần tượng là "soái ca khởi nghiệp" và "cô gái tỷ đô"

ANTD.VN - Tuổi trẻ là tuổi của nhiệt huyết, tích cực, không nề hà cái khó, cái khổ; nhưng làm thế nào để thực sự đánh thức khát vọng “làm giàu” trong nhiều bạn trẻ khởi nghiệp? Lời đáp sẽ có khi người trẻ tương tác, giao lưu với thần tượng của họ là “soái ca khởi nghiệp” và “cô gái tỷ đô”.

Lê Đăng Khoa là một hình mẫu gây ấn tượng mạnh trên mạng xã hội và được gọi với  cái tên trìu mến: “Soái ca khởi nghiệp”

Doanh nhân Trần Uyên Phương trở thành thần tượng khởi nghiệp của giới trẻ khi cô gánh trên vai trọng trách chính là người kế nhiệm mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD năm 2030 của Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Sức hút của “soái ca khởi nghiệp” và “cô gái tỷ đô”

Ngay từ khi lên sóng VTV3 vào tháng 11-2017, chương trình truyền hình thực tế “Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ” đã thu hút đông đảo khán giả. Không phải chương trình giải trí, cũng chẳng dùng những chiêu trò nhưng “Shark Tank” vẫn khiến người xem háo hức khi có sự tham gia của các nhà đầu tư (shark) cùng các công ty khởi nghiệp (start-up). Từng xuất hiện trong vai   trò nhà đầu tư khách mời (Guest shark), Lê Đăng Khoa đã khiến nhiều khán giả hào hứng bởi phong thái sôi nổi của một doanh nhân trẻ. 

Lê Đăng Khoa là nhà sáng lập khu du lịch sinh thái The Bamboo, đồng sáng lập chuỗi 38 Flower Market Tea House. “Thần tượng khởi nghiệp” chia sẻ trên VTV3 rằng: “Một trong những “vũ khí” tôi mang tới chương trình là bản thân tôi đang sở hữu công thức tạo nên thương hiệu. Chính nhờ công thức này, tôi nghĩ mình đủ tự tin để thuyết phục các start-up Việt Nam về đội của Lê Đăng Khoa”. Thực tế, Lê Đăng Khoa là một hình mẫu gây ấn tượng mạnh trên mạng xã hội và được gọi với cái tên trìu mến - "Soái ca khởi nghiệp”.

Tương tác với thần tượng là "soái ca khởi nghiệp" và "cô gái tỷ đô" ảnh 3

Tôi không quan niệm thế nào là “làm ăn lớn” hay “làm ăn nhỏ” mà chỉ nhấn mạnh việc “có lãi” hay không.

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Khác với “soái ca khởi nghiệp” Lê Đăng Khoa trong lĩnh vực nông nghiệp,  nữ doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cách đây 1 năm công bố “thâm cung bí sử” nhà mình khi xuất bản cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh”, đã tạo nên cơn sốt khi luận bàn hình tượng chân thực về một gia tộc doanh nhân lớn mạnh trong lĩnh vực nước giải khát.

Doanh nhân Trần Uyên Phương trở thành thần tượng khởi nghiệp của giới trẻ khi cô gánh trên vai trọng trách chính là người kế nhiệm mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD năm 2030 của Tập đoàn Tân Hiệp Phát. “Với con số 3 tỷ USD, tôi lại cho rằng, tiềm năng thị trường Việt Nam còn lớn lắm, tôi nghĩ mục tiêu đó là rất hợp lý và chúng tôi có thể làm được. Chúng tôi muốn trở thành một công ty tỷ đô trong vòng 5 năm tới. Và đó là cách để chúng tôi bước ra một sân chơi lớn hơn. Có lẽ điều này cũng một phần lý giải cho cái tên gọi “cô gái Việt tỷ đô” mà truyền thông đặt cho tôi”, doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ.  

Sức hút của Trần Uyên Phương với các start-up chính là sự thông minh, quyết đáp cùng với những chia sẻ thiết thực. Trần Uyên Phương từng nói: “Tôi không quan niệm thế nào là “làm ăn lớn” hay “làm ăn nhỏ” mà chỉ nhấn mạnh việc “có lãi” hay không. Ngoài ra, theo tôi hiểu được năng lực của mình mới quan trọng. Nếu làm ăn lớn mà chúng ta mất kiểm soát thì chúng ta nên xem lại. Còn nếu làm ăn nhỏ mà chúng ta thấy có đủ sức, đủ tiềm năng phát triển thì chúng ta nên tập trung hết sức để khai thác cơ hội”. Và nữ doanh nhân cũng không quên lời dạy của cha: “Kinh doanh không khó, có thể nói kinh doanh rất dễ, nhưng kinh doanh có lời mới khó”. 

Hoạt động giao lưu, tương tác giữa thần tượng khởi nghiệp với sinh viên những ngày này diễn ra hết sức sôi nổi. Bạn Nguyễn Ánh Nguyệt, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, mọi người hào hứng khi tương tác với những thần tượng khởi nghiệp của mình như chị Trần Uyên Phương và anh Lê Đăng Khoa. “Họ cho mình thấy, chẳng có gì là không thể làm được cả nếu như em có sự tự tin, năng lực và khát vọng” - Nguyễn Ánh Nguyệt nói. Thực tế, bằng lối chia sẻ thông minh, kèm khích lệ và thẳng thắn, cả “cô gái tỷ đô” Trần Uyên Phương lẫn “soái ca khởi nghiệp” Lê Đăng Khoa đều đã khơi gợi được “cái tinh” trong con người mỗi bạn trẻ, để gợi mở những câu hỏi “chất” và thú vị. 

Các bạn trẻ hào hứng giơ tay tương tác với thần tượng khởi nghiệp

Khơi dậy năng lượng khởi nghiệp

“Nếu em có một start-up giàu tiềm năng, và gặp nhà đầu tư quan tâm, làm sao để người sở hữu ý tưởng start-up như em có thể giành tối đa mức cổ phần trong liên doanh sau này?” - câu hỏi thú vị của một bạn trẻ được nêu ra và được diễn giả Lê Đăng Khoa giải đáp: Nhà đầu tư liệu có “ngờ nghệch” tới mức bỏ vốn, cung cấp ê-kíp và chỉ nhận về một thứ gì đó “tối thiểu”? Hãy sòng phẳng và hiểu rằng, khi bạn tìm được nhà đầu tư phù hợp, vốn chỉ là một yếu tố, yếu tố quan trọng hơn là ê-kíp mà họ có thể cung cấp để mô hình phát triển mạnh mẽ hơn.

Giả sử bạn nắm 70% cổ phần trong một liên doanh sắp… tàn, thì điều đó có giá trị bằng 30% cổ phần ở liên doanh làm ăn phát đạt? Câu chuyện cổ phần là câu chuyện 2 chiều, và nên nhớ, khi bạn muốn giành mức cổ phần lợi thế, số vốn bạn góp vào cũng phải tương ứng như vậy. Nếu cần vốn 1 tỷ đồng, mà nhà đầu tư chỉ được góp 30%, ứng với 300 triệu đồng, thì đó là câu chuyện đơn giản, còn 700 triệu đồng với một chủ start-up trẻ thì lại là cả vấn đề. Nên trước khi nghĩ tới cổ phần, hãy nghĩ cách phát huy start-up tốt nhất, và chúng ta sẽ có mức tưởng thưởng xứng đáng.

Trong khi đó, một câu hỏi khác thu hút sự chú ý: “Em đang có ý tưởng start-up rất thú vị, em muốn trình bày ngay tại đây để chị Phương và anh Khoa tham khảo, rồi cho quyết định… có đầu tư hay không?”. Và cách “giải quyết” của chị Trần Uyên Phương đã khiến các bạn có mặt tại hội trường cảm thấy như học thêm một bài học quý báu về khởi nghiệp:

- Đồng ý! Vậy em có thể trình bày ý tưởng đó trong vòng 2 phút trước các diễn giả được xem như ban giám khảo này không? Hai phút là mức quy định trong cuộc thi khởi nghiệp Vietnam Startup Wheels!

- Em…

- Em đã có bản kế hoạch chi tiết chưa?

- Em chưa! Em mới có ý tưởng, em nghĩ là nó có thể thành công…

- Từ ý tưởng đi tới kế hoạch chi tiết là một quãng đường không ngắn. Từ kế hoạch chi tiết đi tới áp dụng thực tế là một quãng đường dài. Từ thực tế đó, đi tới duy trì hoạt động và làm ăn có lãi, thu hút nhà đầu tư, là một quãng đường rất dài… Em cần biết điều đó!

Sau đó, bạn sinh viên vẫn được trao cơ hội trình bày ý tưởng của mình, và thứ quý giá mà bạn nhận được không phải là vốn đầu tư, mà là sự nhìn nhận thực tiễn về quá trình khởi nghiệp mà bạn đang trăn trở.

Khi mỗi sự kiện giao lưu, tương tác khép lại, cũng là lúc các bạn trẻ hào hứng lên sân khấu chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả. Nhiều bạn sinh viên đã nói rõ rằng, chính “chị Phương” hay “anh Khoa” là thần tượng của họ, giúp truyền cảm hứng khởi nghiệp tích cực để họ hướng tới tương lai khó khăn nhưng đầy hứa hẹn trước mắt.

Khi các bạn trẻ thần tượng những doanh nhân có tài, thì mục tiêu sống của họ sẽ trở nên tích cực. Hãy cứ sống và đặt mục tiêu như thế, thay vì người trẻ dành quá nhiều thời gian cho những điều không thiết thực trong cuộc sống khiến quỹ thời gian có ích mỗi ngày bị bào mòn, lãng phí.