Tuồng rất đời thường, rất con người, rất trữ tình

(ANTĐ) - VCD Nghệ thuật tuồng qua các vai diễn của NSND Đàm Liên vừa ra mắt khán giả là một sự kiện của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Không chỉ là VCD đầu tiên của bộ môn nghệ thuật dân tộc đặc biệt này, nó còn ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất ông tổ tuồng Đào Tấn. NSND Đàm Liên – người được công chúng yêu thích qua những vở “Ông già cõng vợ đi xem hội”, “Phương Cơ giả điên qua ải”, “Hồ nguyệt cô hóa cáo”... - đã tâm sự với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về niềm vui lớn này.

Tuồng rất đời thường, rất con người, rất trữ tình

(ANTĐ) - VCD Nghệ thuật tuồng qua các vai diễn của NSND Đàm Liên vừa ra mắt khán giả là một sự kiện của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Không chỉ là VCD đầu tiên của bộ môn nghệ thuật dân tộc đặc biệt này, nó còn ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất ông tổ tuồng Đào Tấn. NSND Đàm Liên – người được công chúng yêu thích qua những vở “Ông già cõng vợ đi xem hội”, “Phương Cơ giả điên qua ải”, “Hồ nguyệt cô hóa cáo”... - đã tâm sự với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về niềm vui lớn này.

- PV: Công chúng mến mộ gọi NSND Đàm Liên là “Vua tuồng”, “Nữ hoàng tuồng”, “Bà chúa Tuồng”, bản thân chị thích được gọi bằng danh hiệu nào?

- NSND Đàm Liên: Là nghệ sỹ, ai mà chẳng thích được công chúng yêu mến. Với tôi, mỗi tên gọi đều có một kỷ niệm. “Vua tuồng” là do Việt kiều mình ở Thái Lan đặt cho. Khi ấy, tôi vừa bước xuống sân bay, nhiều người nhìn thấy tôi đã reo lên: “Vua tuồng đến đây rồi. Đi nước ngoài rồi mới có cơ hội được gặp chị”.

 

Còn khi sang Liên Xô, tôi bị lạc đường nên không kịp giờ biểu diễn, GS Hoàng Chương lúc đó đã giải thích với khán giả rằng: “Bà chúa chưa lên”.

Lần khác ở Bungaria, ông Thủ tướng đã tặng cho tôi chiếc cà vạt của ông ấy và giới thiệu với công chúng: “Đây là nữ hoàng tuồng của Việt Nam”.

Kiều bào Pháp thì gọi tôi là “Sầu nữ” khi xem tôi diễn Hồ Nguyệt cô hoá cáo. Những biệt danh ấy thật sự luôn làm tôi cảm động. Song thích thú bao nhiêu thì tôi càng lo lắng bấy nhiêu. 40 năm theo tuồng, tôi chưa bao giờ thỏa mãn, lúc nào cũng băn khoăn, trăn trở, lúc nào cũng phải gồng mình lên làm việc, phấn đấu làm sao để không phụ tình yêu của công chúng dành cho mình.

- PV: Và VCD Nghệ thuật tuồng Việt Nam ra mắt là để đáp lại tình yêu ấy?

- NSND Đàm Liên: Đây là tâm huyết suốt 10 năm trời của tôi. Tôi chính thức bắt tay và thực hiện VCD cách đây 3 năm. Một mình lên kế hoạch, tự gom góp bỏ tiền ra quay, thu âm, làm đĩa... Mục đích của tôi trước hết là giúp những người yêu tuồng Việt Nam có một địa chỉ để tìm đến khi muốn thưởng thức nghệ thuật này. Thứ 2 là đóng góp cho nghệ thuật dân tộc như một giáo trình, giúp các thế hệ nghệ sỹ tuồng sau này có thể tìm hiểu, học hỏi về cách diễn, cách hát... để thêm yêu nghề.

Hóa thân vào các vai diễn
Hóa thân vào các vai diễn

- PV: Chị không sợ VCD của mình sẽ ế ẩm vì công chúng Việt Nam ngày nay, đặc biệt là thế hệ trẻ không mặn mà lắm với nghệ thuật tuồng sao?

- NSND Đàm Liên: Gần đây, tôi có gặp một cậu bé trạc 18, đôi mươi đến Hồ Gươm Audio để mua 4 đĩa tuồng mang sang Mỹ. Khi nhìn thấy tôi, cậu bé đã chạy lại và ôm chầm lấy nói: “Bây giờ cháu mới được gặp cô ngoài đời”. Tôi cảm động đến phát khóc và đề nghị được tặng luôn số đĩa đó cho cậu bé. Cho nên, tôi không tin là người trẻ không thích tuồng. Phải diễn thế nào cho họ yêu, họ nhớ. Diễn tuồng đã khó, diễn tuồng để khán giả nhớ càng khó hơn.

Nhiều người cứ nghĩ tuồng là hò hét, là quát tháo, nhưng đâu phải vậy. Khi xem VCD của tôi, khán giả sẽ thấy tuồng rất đời thường, rất con người và rất trữ tình nữa. NSND Hoàng Khiềm và anh em trong Nhà hát Tuồng Trung ương đã nói với tôi: “Chị thật dũng cảm. Nhà hát chưa làm được mà chị đã làm được rồi”. Lời động viên đó khiến tôi càng yên tâm và tin tưởng.

- PV: Chị có hài lòng với sự thể hiện của mình trong VCD này không?

- NSND Đàm Liên: VCD này không thể gói trọn 40 năm đeo đuổi nghề của tôi. Tuy nhiên, tôi đã chọn lựa được những vở diễn tiêu biểu nhất đồng thời hợp với sở thích của khán giả. Ngoài những vở quen thuộc, tôi có đưa vào VCD 2 cái mới. Một là Hề nghe tin dữ: vở này tôi đã diễn trong chương trình thời trang Bí ẩn của linh hồn nhưng chủ yếu là diễn câm.

Trong VCD, tôi đã viết thêm lời hát để vở diễn sinh động hơn. Thứ 2 là Bà Nguyệt đi tu: đây là một vở tuồng cổ, tôi cũng diễn theo lối cổ. Diễn tuồng càng cổ càng đời thường và cảm động. Thành thật, trong đời tôi có 3 niềm vui lớn: một là lên xe hoa, hai là sinh con và ba là sinh được đứa con tinh thần là VCD lần này.

NSND Đàm Liên
NSND Đàm Liên

- PV: Chị có biết được nguyên nhân vì sao không nhiều người nghe tuồng nhưng lại có nhiều người thích NSND Đàm Liên?

- NSND Đàm Liên: Điều tôi quan tâm nhất là khán giả, biết khán giả của mình mê gì, thích gì, từ đó điều hòa nhân vật của mình. Tôi luôn chủ tâm diễn bằng tất cả con tim của mình, cảm xúc của mình, đặc biệt dồn mọi suy nghĩ, tâm hồn mình vào ánh mắt, dùng ánh mắt để lôi kéo, thu hút người xem. Bởi vì, đã là Nghệ sỹ nhân dân thì phải hòa vào nhân dân, thực sự vì nhân dân, của nhân dân.

Chung Tú (thực hiện)