Tưởng nhớ Đại tá Trần Quang Khải: Sông Thương ru anh giấc ngủ ngàn năm

ANTĐ - Cùng quê Bắc Giang, nhưng tôi lại biết Đại tá Trần Quang Khải qua người bạn quê  gốc Thanh Hóa - NSƯT Lương Huy. 

1. Anh Khải và Lương Huy quen nhau ở Đà Nẵng khi Huy còn là chiến sĩ phòng không, còn anh Khải là sĩ quan huấn luyện bay. Khi Huy ra Hà Nội theo học Nhạc viện Hà Nội, lúc đấy tôi mới biết đến anh Khải, tính đến nay cũng gần 20 năm.

Hữu duyên, tình cờ Dương Quang Việt (hiện công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội), bạn cùng trường Nhạc với chúng tôi, cũng lại là người bạn chung lớp với anh Khải thời cấp 3, mối quen biết khi ấy vì thế càng thêm gần gũi...

Anh Khải dáng cao, to, hơi đậm người, nước da bánh mật trông rắn rỏi nhưng lại là người thiên về tình cảm. Là lính lái máy bay, lại nghe nói là hạt nhân xuất sắc của đơn vị, đã được cất nhắc lên nhiều chức vụ, nhưng với dân nghệ sĩ chúng tôi, điều đó chẳng quan trọng. Có chơi được với nhau, có quý trọng nhau hay không là ở cái tình và cách ứng xử chứ những thứ khác chỉ là nhất thời.

Anh Khải đóng quân ở sân bay Sao Vàng trong Thanh Hóa, hay đi công tác Hà Nội, Sơn Tây. Mỗi lần như vậy, anh lại tranh thủ ghé qua phòng ký túc xá Nhạc viện thăm chúng tôi. Có khi rủ mấy thằng em đi ăn một bữa, uống cốc bia. Cũng có khi chỉ kịp xuất hiện nói dăm ba câu rồi lại vội vã đi.

Kể cả những lần về quê ở Bắc Giang cũng vậy, vẫn dành chút thời gian đáo qua. Sau đấy khi ra trường, với những bộn bề lo toan, hầu như tôi không còn gặp lại anh Khải, cho đến hôm rồi, đọc báo nói về việc máy bay SU-30MK2 rơi, Thượng tá Trần Quang Khải đang mất tích trong khi làm nhiệm vụ. Lương Huy hỏi có nhớ anh Khải không? Bàng hoàng! Sao quên được.

2. Nhạc sĩ Giáng Son nhắn nhủ, lúc nào đi viếng Đại tá Trần Quang Khải ở Bắc Giang nhớ báo để đi cùng. Giật mình với tin nhắn ấy của cô bạn thân. Vẫn biết Son luôn đồng hành cùng tôi, nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa… trên hành trình khắp dải đất hình chữ S thân yêu này, đi tới những gia đình nghệ nhân nghèo, tri ân những gương mặt âm nhạc đã lớn tuổi khi họ bị bệnh hoặc thắp nén hương khi họ trở về với đất mẹ.

Nhưng anh Khải không phải một nghệ sĩ, anh là một sĩ quan quân đội. Như biết được thắc mắc của tôi, Giáng Son khẳng định ngay: “Anh hùng đấy. Phải đi chứ”. Hai người từng có duyên tiếp xúc với nhau thông qua công việc mà trước đó tôi không được biết. Lời Giáng Son nói giúp tôi nhớ lại hình ảnh anh trong mắt chúng tôi trước kia.

Với những cậu trai trẻ mới lớn khi ấy, đứa nào chả ngưỡng mộ các anh phi công, vì thế mà tôi càng thêm quý anh hơn.  Nhớ có lần anh Khải chia sẻ nghề của anh nguy hiểm và rằng việc đầu tiên khi gặp trục trặc là phải cứu cho bằng được máy bay, trường hợp cuối cùng không thể thì chỉ huy sẽ là người chịu rủi ro nhiều hơn so với đồng đội cấp dưới cùng bay. Càng thêm ngưỡng mộ vì anh nhắc tới cái chết mà vẫn tràn đầy nhựa sống. Nên tôi tin, anh đã đón nhận nó hết sức bình tĩnh và thản nhiên. 

Anh Khải đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Sự hy sinh đã nhóm lên biết bao ngọn lửa sẻ chia và tình yêu quê hương, đất nước. Một sự hy sinh cao cả. Nhưng sẽ vẫn còn đó, một người đàn bà trẻ trở thành góa phụ. Vợ anh là người cùng quê.

Kể từ khi lấy nhau, anh không đưa chị vào sinh sống trong đơn vị mà thuê một ngôi nhà của người bạn với giá hữu nghị tại Long Biên, Hà Nội để tiện công việc của chị. Vợ anh đến giờ vẫn chỉ dạy thêm, vì chị chưa có công việc chính thức ở đâu cả. Anh mất rồi, có lẽ chị sẽ vẫn phải dạy thêm để có đủ trang trải cho gia đình cùng cô con gái còn rất nhỏ của anh chị.

Từ thâm tâm tôi mong chị sẽ có một nơi ở và một công việc ổn định. Để cuộc sống của hai mẹ con không quá vất vả khi mất đi trụ cột, để chị thêm vững vàng bước tiếp trên con đường vắng anh mà có thể ngay từ khi đến với nhau, cả anh và chị đều đã lường được trước. Và tôi vẫn lạc quan rằng, khó đến mấy cả chị và cháu cũng sẽ vượt qua.

Đại tá Trần Quang Khải giờ đã là linh hồn của quê hương vải Bắc Giang. Bắc Giang mùa vải này đón anh về giữa vị ngọt yêu thương (ảnh: Lãnh Văn Tập)

3. Bắc Giang đang vào mùa vải chín. Những ngày này, khắp nẻo quê trung du của Bắc Giang, thoăn thoắt những bàn tay phụ nữ bẻ từng chùm vải, những người đàn ông tráng kiện thồ những xe vải từ vườn ra thị trấn, những chuyến xe tải nối nhau tấp nập đến rồi đi.

Tôi vẫn luôn dành thời gian về miền quê thân thương ấy trong dịp này để ngắm nhìn những ánh mắt rạng ngời của ngày hái quả chín sau một năm tất bật lo toan. Vải như linh hồn của miền quê trung du Bắc Giang. Từ trước khi nó trở thành một loại cây trọng điểm thì ở mỗi làng quê miền trung du ấy, nhà nào cũng đã có ít nhất vài ba cây trong vườn.

Chẳng thế mà trong không ít người, nhìn hình ảnh cây vải, những chùm quả chín mọng sẽ thấy thêm ngọt ngào bởi nó được đong đầy những giọt mồ hôi của những người mẹ, người vợ, của những người phụ nữ đảm việc nhà trên quê hương anh hùng này. Nhà Thượng tá Trần Quang Khải ở đó, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang. Đầu miền trung du, trong cung đường đi tới “thánh địa” của cây vải thiều Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động. 

Trong tôi chợt vang lên tiếng hát Trọng Tấn về quê hương Bắc Giang: “Tấm áo vá năm xưa, mẹ tiễn con lên đường… Trên đường hành quân lòng con vẫn nhớ, ơi sông Thương sông Thương, dòng sông vẫn đợi dòng sông vẫn chờ…” (“Sông thương kỷ niệm” - Nguyễn Ngọc Tưởng). 

Vậy là sông Thương quê mẹ đang dang rộng vòng tay đón anh về. Đất trung du sẽ ôm anh vào lòng và ru anh giấc ngủ ngàn thu. Mùa vải này sẽ thêm đậm vị quê hương Bắc Giang, quê hương của một người con kiên cường vừa hy sinh khi làm nhiệm vụ. Cũng mùa vải này, lần đầu tiên cả phòng chúng tôi, giờ đều là những nghệ sĩ vững vàng trên con đường nghệ thuật, sẽ về thăm gia đình anh. Nhất định thế.

Thăng quân hàm Đại tá cho phi công Trần Quang Khải 

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết định thăng quân hàm từ Thượng tá lên Đại tá cho phi công Trần Quang Khải. Đây là sự ghi nhận những đóng góp và hy sinh của phi công Trần Quang Khải đối với quân đội, với đất nước. 

Đại tá Trần Quang Khải, sinh ngày 20-10-1973, là phi công cấp 1, Phó Trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không Không quân. Đại tá hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu trên máy bay SU30MK2 vào lúc 7h15 ngày 14-6 trên vùng biển ở khu vực gần đảo Mắt (Nghệ An). 

Sáng nay 20-6, tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4 (Quân khu 4) đóng tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An, Bộ Quốc phòng và các đơn vị, địa phương liên quan sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu cho Đại tá Trần Quang Khải theo nghi thức Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau đó, thi hài Đại tá Trần Quang Khải sẽ được quân đội và gia đình đưa từ nhà tang lễ về quê ở thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.