Tướng Mỹ: Liên Hợp Quốc cần biên chế lực lượng phản ứng nhanh

ANTĐ - Ngày 28-7, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ-tướng Martin Dempsey- cho biết, Liên Hợp Quốc cần được biên chế một lực lượng phản ứng nhanh và một số lượng lớn trang thiết bị mới để đối phó với tình trạng vi phạm pháp luật và những bất ổn trên toàn thế giới.

Phát biểu tại một cuộc họp ở New York về vấn đề gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Đại tướng Dempsey nói rằng: "Các quốc gia thành viên cần phải tham gia tích cực và có những cam kết chắc chắn để cải thiện những nỗ lực gìn giữ hòa bình toàn cầu".

Phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dẫn lời ông Dempsey cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc có ba yêu cầu cốt lõi cần được đáp ứng để có thể thực hiện thành công các biện pháp như vậy trên quy mô toàn cầu.

Thứ nhất, theo ông, các quốc gia thành viên cần có những đóng góp nhiều hơn nữa cho Liên Hợp Quốc nhằm làm giảm thiểu những thiếu hụt về trang thiết bị, vì việc này sẽ tiếp tục làm giảm hiệu quả trong nỗ lực của Liên Hợp Quốc khi thực hiện các nhiệm vụ trên toàn thế giới.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey

"Các quốc gia thành viên cần phải tăng cường hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực này, nếu không sẽ gây rủi ro cho những nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trong tương lai của Liên Hợp Quốc", tướng Mỹ cảnh báo.

Thứ hai, Liên Hợp Quốc cần những cam kết từ các quốc gia thành viên trong việc cung cấp lực lượng phản ứng nhanh để đối phó với các cuộc khủng hoảng mới nổi. Việc triển khai nhanh chóng các đơn vị trong vòng 30, 60 hoặc 90 ngày có thể giúp giải quyết được các cuộc khủng hoảng đang diễn ra, ngăn ngừa xung đột lan rộng và cứu sống thêm nhiều người dân vô tội, ông cho biết.

Thứ ba, Liên Hợp Quốc cần tuyển dụng những nhân viên có kỹ năng cao hơn, bao gồm cả cảnh sát và quân đội, để triển khai thực hiện các sứ mệnh trong tương lai. "Chúng ta cần lực lượng không chỉ để bắt đầu một sứ mệnh gìn giữ hòa bình, mà để duy trì lâu dài sứ mệnh này", Tướng Dempsey giải thích thêm.

Theo cơ quan này, hiện có 124 quốc gia đang đóng góp tổng số 100.000 quân cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và các hoạt động có liên quan trên toàn thế giới.