Chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, Thạch Thất

Tượng mới vào chùa, tượng cổ ra... sông

ANTĐ - Mấy ngày gần đây, trên các mạng xã hội rộ lên những thông tin xung quanh việc sư trụ trì chùa Chân Long xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội  tự đúc… tượng mình đưa vào thờ. Bên cạnh đó, vị sư này còn tự ý xây dựng một số công trình kiến trúc mới làm thay đổi hiện trạng chùa Chân Long, ngôi chùa từng được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia vào năm 1991. Để làm rõ thực hư về thông tin này, ngày 7-11, chúng tôi đã tìm về chùa Chân Long.
Tượng mới vào chùa, tượng cổ ra... sông ảnh 1
Bức tượng cổ sơn son thếp vàng được mang ra sông năm 2011 nay chỉ còn trong hình ảnh
được lưu giữ tại nhiều tài liệu của xã Chàng Sơn 


Nỗi buồn chùa cổ

Theo tài liệu xưa để lại, chùa Chân Long được khởi dựng vào năm 1654. Theo thống kê, chùa lưu giữ 62 pho tượng trong đó có 3 pho tượng đá cùng một quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1800). Chùa Chân Long bấy lâu nay vốn yên bình và thanh tịnh. Nhưng từ năm 2011 trở lại đây, thay cho vẻ yên bình vốn có là nỗi bức xúc của nhiều hộ dân ở trong làng khi sư trụ trì chùa là ông Thích Minh Phượng, thi thoảng lại làm theo ý mình mà bỏ qua những quy định nghiêm ngặt của Luật Di sản Văn hóa.

Để rõ hơn vấn đề, PV An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Kim Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn. Ông Toàn xác nhận, từ năm 2011 đến nay, đã 3 lần, sư trụ trì chùa mang tượng mới vào thay thế cho hệ thống tượng cũ, vốn tồn tại từ lâu đời trong di tích. Địa phương cũng đã nhiều lần lập biên bản xử lý và báo cáo hành vi này đến Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội và Sở VH-TT&DL Hà Nội. Đỉnh điểm gây bất bình cho người dân xã Chàng Sơn là cuối tháng 10-2013, sư Thích Minh Phượng mang về chùa một bức tượng đồng nặng chừng 350kg. Nhân dân phát hiện vào ngày 20-10, đến ngày 24-10 thì UBND xã Chàng Sơn đã cử một đoàn công tác xuống chùa xác minh thực hư và đến 25-10 tiến hành lập biên bản, yêu cầu sư trụ trì di chuyển bức tượng lạ kể trên, đưa tượng cũ về chỗ vốn tồn tại bao năm nay. Đến lúc này cả chính quyền xã và nhân dân địa phương mới giật mình phát hiện, bức tượng sơn son thếp vàng vốn tồn tại bao đời nay đã bị cho vào bao tải và “hóa dưới lòng sông cho mát mẻ” từ năm 2011.

Ông Nguyễn Kim Toàn cho biết thêm, trước sức ép của dư luận trong làng, ngay sau đó, UBND huyện Thạch Thất và UBND xã Chàng Sơn quyết trục vớt lại bức tượng cổ kể trên. Tuy nhiên, nhà chùa đã “nhanh tay” hơn chính quyền, ngay từ sáng sớm hôm đó đã cho vớt trước 3 bao tải tập kết trên bờ sông Tây Ninh rồi điện thoại cho lãnh đạo xã ra… nhận lại cổ vật và lập biên bản. Hiện tại lãnh đạo xã Chàng Sơn không thể xác minh được, đất và trấu trong bao tải kia có phải là bức tượng cổ do ngâm nước lâu ngày mà mủn ra hay không, vì thế hiện vật vẫn được niêm phong và cất giữ chờ các cơ quan chức năng xác minh và làm rõ. 

Tượng mới được sư trụ trì chùa Chân Long đưa vào chùa

Có phải sư đúc tượng mình để thờ?

Phó Chủ tịch Nguyễn Kim Toàn khẳng định, thông tin sư Thích Minh Phượng tự ý đúc tượng mình để thờ là chưa chính xác. Đây được cho là bức tượng Ngọc Hoàng do một doanh nghiệp (giấu tên) xin được cúng tiến vào thờ tại chùa (vị trí của tượng cổ đã bị mang “tắm sông”). Sau cuộc làm việc với sự tham gia của UBND huyện Thạch Thất, UBND xã Chàng Sơn cùng đại diện BQL Di tích danh thắng Hà Nội, với yêu cầu, sư trụ trì phải di chuyển bức tượng không rõ nguồn gốc ra khỏi di tích quốc gia, tránh làm xáo trộn hiện vật. Đến ngày 5-11, bức tượng đồng nặng 350kg đã được đưa ra khỏi chùa và để ở… ngã ba đường, với lý do tượng nặng, không có xe ô tô nào vào chở đi được. Sự việc trên đã vô hình trung gây bất bình trong dư luận, ngày hôm đó, đã có hàng trăm người dân trong làng kéo đến để bày tỏ bức xúc khiến cho cả tuyến đường qua chợ Chàng tắc nghẽn, Công an huyện Thạch Thất cùng UBND huyện đã phải tuyên truyền đến với từng người dân, đồng thời vận động sư Thích Minh Phượng ký cam kết không đưa hiện vật mới vào chùa.

Trưa 7-11, được tin PV Báo An ninh Thủ đô có mặt tại chùa Chàng Sơn, hàng chục người dân đã có mặt để bày tỏ sự bất bình với sư Thích Minh Phượng. Nhiều người dân cho rằng, nếu bức tượng đất sơn son thếp vàng có dấu hiệu hỏng thì phải báo cáo lên chính quyền và các cơ quan chuyên ngành để tu bổ lại, đằng này lại thẳng tay mang ra sông “tắm cho mát mẻ” là không chấp nhận được. 

Cũng trong ngày 7-11, PV Báo An ninh Thủ đô đã nhiều lần liên lạc với sư Thích Minh Phượng nhưng vị sư này tắt điện thoại không liên lạc được… Hiện xã Chàng Sơn đã gửi báo cáo những sai phạm tại chùa Chân Long của ông Nguyễn Xuân Long (tức sư thầy Thích Minh Phượng) lên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Sở 

VH-TT&DL Hà Nội cùng nhiều cơ quan chức năng để có hướng giải quyết trong thời gian sớm nhất. 

Theo khoản 1, điều 32 Luật Di sản Văn hóa quy định: Khu vực bảo vệ 1 gồm di tích và vùng được xác địch là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng.