Tương lai nào cho văn hóa đọc?

ANTD.VN - Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng: là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Thế nhưng, văn hóa đọc của giới trẻ đang đứng trước nguy cơ, đó là sự mai một thói quen đọc vốn có, thay vào đó là sự lấn át của những thể loại tạp nham, thiếu tính giáo dục, thậm chí đi ngược với truyền thống văn hóa.

Tương lai nào cho văn hóa đọc? ảnh 1Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới văn hóa đọc trong giới trẻ. Ảnh: Lam Thanh

Sức hút ngôn tình

Có thể thấy, phần lớn giới trẻ ngày nay không lười đọc sách, mà họ chỉ đọc những thứ dễ đọc như truyện tranh, truyện tình cảm nhẹ nhàng của các tác giả thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X hay các tác phẩm theo trào lưu, đây là một thực tế không mới. Nếu đi vào các hiệu sách thuộc loại lớn nhất, tại hai thành phố lớn là TP. HCM và Hà Nội, chúng ta có thể thấy so với thời xưa, sách các loại nói chung và sách văn học nói riêng bây giờ được in ấn đẹp đẽ, các đầu sách văn học trong nước cho đến nước ngoài được xuất bản tương đối nhiều, đủ loại, “thượng vàng hạ cám”. Giữa một rừng sách hỗn độn đó, các bạn trẻ sẽ khó tự mình chọn được sách hay, có giá trị nếu như không phải là dân thích đọc sách, biết đọc sách, và sẽ dễ bập vào những tác phẩm, tác giả có tính trào lưu.

Trong khi đó, cũng tại các nhà sách lớn, quầy sách ngôn tình với hàng trăm đầu sách in bìa bắt mắt bao giờ cũng tấp nập hơn cả. Người mua sách chủ yếu là giới trẻ, không hiếm những độc giả còn mặc nguyên đồng phục học sinh THCS, THPT đến chọn mua. Nói đến sự bùng nổ của tiểu thuyết ngôn tình tại Việt Nam, bên cạnh sự nhanh nhạy của các đơn vị làm sách thì không thể không nhắc đến một yếu tố “thời đại”, đó là tốc độ phổ cập nhanh chóng của blog cá nhân và các diễn đàn trên mạng Internet, dẫn đến sự xuất hiện ồ ạt của đội ngũ dịch truyện online.

Cũng vì sức hút từ truyện ngôn tình lớn như vậy nên rất nhiều thành viên trên diễn đàn, dù không biết ngoại ngữ nhưng cũng mày mò sử dụng các phần mềm dịch (ngôn ngữ trên mạng gọi là “convert”), sau đó biên tập lại rồi chia sẻ lên diễn đàn, blog để thỏa mãn “cơn ghiền” của các độc giả trẻ. Chưa hết, các “dịch giả” còn liên tục kêu gọi nhiều người lập thành những đội nhóm chuyên biên tập truyện ngôn tình, sau đó đóng thành các ebook đẹp đẽ để độc giả dễ dàng download về đọc trên máy tính hay điện thoại thông minh. Tất nhiên, chất lượng của những bản truyện được biên tập nửa vời này quả thật không ai dám khen, có truyện hầu như giữ nguyên ngôn ngữ “convert” nhưng các độc giả online dường như “bất chấp” hết. Ðội ngũ “biên tập viên” bởi vậy ngày càng đông đảo. 

Tích cực nhiều, tiêu cực lắm

Không thể phủ nhận, sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới văn hóa đọc trong giới trẻ. Tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít. Một trong những vấn đề nổi lên là văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay đang xuống cấp một cách trầm trọng - theo nhận định của một chuyên gia. Nhiều ý kiến thắc mắc, tại sao có những loại sách không hề phù hợp với lứa tuổi học sinh mà vẫn được xuất bản? Tất nhiên, đây cũng là câu hỏi chung của những ai đang xót xa cho văn hóa đọc của giới trẻ. Thực chất, chính người đọc là những người quyết định chất lượng của một cuốn sách khi nó được xuất bản. Và cái hay của độc giả là làm thế nào để chọn lựa ra những cuốn sách phù hợp với bản thân mình trong cả một khối lượng sách khổng lồ trên thị trường. Đó mới là một độc giả thông minh.

Thẳng thắn chia sẻ về vấn đề thị trường sách tràn lan làm cho nhiều bạn trẻ cảm thấy hoang mang, một nhà văn từng bày tỏ, đó là do ảnh hưởng của “văn hóa mạng” đến “văn hóa đọc”. Theo nữ nhà văn, giới trẻ hiện nay hầu như đang đọc sách theo trào lưu, chứ không đọc sách để cảm nhận cái hay của sách mang lại. Thậm chí, không ít bạn trẻ sợ bị “rớt'' lại đằng sau nên mỗi thứ chỉ biết một ít và sơ sài, mà không nắm rõ ngọn nguồn của quyển sách mình đang đọc muốn hướng độc giả đến điều gì. Việc đọc sách như là bản thân đang đi trên những bậc thang, phải đi từng bước một, hết bậc này lên bậc kia, không thể vội vàng để rồi kết quả là người đọc không biết mình đang đọc sách gì và phù hợp với mình hay không.

Với thực trạng này, văn hóa đọc đã xuống cấp tới mức báo động chưa? Có thể chưa chạm “vạch cấm” nhưng mấy ai suy nghĩ được thấu đáo về vấn đề này. Thời đại thông tin dạy chúng ta phải biết tận dụng cơ hội và nắm bắt thời cơ. Vì vậy, chính những người đọc trẻ phải tự tìm kiếm và trau dồi cho mình một thói quen đọc phù hợp và bổ ích. Hiện nay, những người làm sách chính thống đều tỏ ra ái ngại, sẽ có tương lai nào cho văn hóa đọc trong thời đại bùng nổ thông tin và những trào lưu độc hại?