Tương lai nào cho điện hạt nhân?

ANTĐ - Sau thảm họa kép tại Nhật Bản năm ngoái, có lẽ Fukushima là từ được báo chí thế giới nhắc đến nhiều nhất. Cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử Nhật Bản này không chỉ khiến đất nước mặt trời mọc chìm trong căng thẳng mà còn làm cả thế giới bừng tỉnh về rủi ro của điện hạt nhân.

Đường phố không một bóng người ở thành phố Tomiok, bên trong bán kính sơ tán 20km quanh nhà máy Fukushima Daiichi

1 năm sau thảm họa kép, những gì người ta nhìn thấy trong vùng sơ tán, bán kính 20 km quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, là các tòa nhà bị bỏ hoang và đường phố không một bóng người.

Có thể nói, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima đã làm lung lay niềm tin của dư luận về năng lượng hạt nhân và Nhật Bản hiện đang cân nhắc lại những kế hoạch trước đó về việc tăng tỷ lệ đóng góp của điện hạt nhân từ 30% (năm 2010) lên 50% (vào năm 2030). Trước thảm họa, Nhật Bản có 54 lò phản ứng, nhưng hiện nay phần lớn đã dừng hoạt động. Tokyo đã hủy bỏ các kế hoạch xây dựng thêm 14 lò phản ứng vào năm 2030.

Một lò phản ứng có công suất 1.000 MW có thể sinh ra lượng phóng xạ lớn gấp hàng chục nghìn tỷ lần mức độ chịu đựng của con người. Nếu chúng bị rò rỉ sẽ thực sự là thảm họa. Mặt khác, nhiên liệu hạt nhân phải mất tới 100.000 năm mới có thể phân rã hoàn toàn để trở thành trung tính. Bởi vậy, rác thải phóng xạ là vấn đề chung đối với tất cả các quốc gia chạy điện hạt nhân, kể cả Mỹ, nhưng theo các chuyên gia, điều kiện địa chất không ổn định và địa hình dân cư dày đặc của Nhật làm cho thách thức này lớn hơn nhiều. 

Động đất luôn là nỗi ám ảnh với các lò hạt nhân Nhật Bản. Bởi vậy, chúng được thiết kế để có thể chịu được các trận động đất và các hiện tượng thiên tai khác. Các khâu thiết kế, thi công và vận hành nhà máy điện hạt nhân luôn tuân theo các tiêu chí nghiêm ngặt đặc biệt. Nhưng hầu như các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đều được xây dựng gần biển, bởi vì chúng cần một nguồn lớn nước làm mát chắc chắn để hoạt động. Chính điều đó lại khiến cho chúng rất dễ bị hư hại trong những cơn sóng thần. 

Cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima để lại bài học sâu sắc đối với Nhật Bản, đó là xem xét về cơ bản chính sách năng lượng của đất nước này, trong đó có điện hạt nhân. 

Cuộc tranh cãi về mức độ an toàn của năng lượng hạt nhân trên thế giới vẫn đang tiếp diễn khi một số nước tiên tiến, trong đó có Đức đã quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của mình vào năm 2020.