Tương lai EU "không có Anh"

ANTĐ - Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite vừa chỉ ra nguyên nhân sâu xa của kết quả trưng cầu ý dân tại Anh vốn khiến thị trường thế giới chao đảo trong những ngày qua.  

Tương lai EU "không có Anh" ảnh 1Lãnh đạo các nước EU đang tập trung thảo luận về một tương lai “không có Anh”

Theo bà Grybauskaite, người dân Anh không chỉ đi bỏ phiếu để quyết định xem Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) hay không, mà thực chất, họ bỏ phiếu để chống lại nhà chức trách và giới chính trị của Anh - những người phản đối Brexit, muốn ở lại EU.

Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới thắng lợi của Brexit là sự chia rẽ giữa một bên là người dân Anh, một bên là các chính trị gia nước này, hay nói cách khác, là do sự phân chia giàu - nghèo ngày càng lớn trong xã hội Anh. Hiện giờ, không chỉ dư luận Anh xôn xao về kết quả bỏ phiếu Brexit, mà giới chính trị gia thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, cũng hết sức quan tâm tới tương lai một EU “không có Anh”.

Nữ Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo cho rằng EU cần luồng gió mới từ những lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược và sáng tạo. Còn theo các nhà phân tích như nhà đầu tư tài chính Goerge Soros, EU đang thiếu các lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán “như kiểu ông Putin”. 

Sau kết quả trưng cầu ý dân tại Anh, hai cơ quan xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới ngày 27-6 đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của xứ sở sương mù đồng thời dự báo triển vọng kinh tế tiêu cực trong dài hạn đối với London. Chính phủ Anh hiện đang chịu nhiều sức ép về việc chọn ra người kế nhiệm Thủ tướng David Cameron. Hiện cuộc chạy đua vào chiếc ghế Thủ tướng Anh đang thu hút nhiều cố vấn thân cận của ông. Dự kiến, tân Thủ tướng Anh sẽ ra mắt vào đầu tháng 9 tới, khi ông David Cameron chuyển giao công việc cho người kế nhiệm để đưa quốc gia này rời khỏi EU.

Kết quả trưng cầu ý dân tại Anh được xem là một “cú sốc” mạnh đối với các thị trường châu Âu, đồng thời khiến đồng bảng Anh sụt giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong vòng 30 năm qua. Không chỉ vậy, bà Danuta Hubner, người đứng đầu Ủy ban Hiến pháp Nghị viện châu Âu cho biết, tiếng Anh - ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới, sẽ không còn là ngôn chính thức của EU sau khi Anh rời khỏi liên minh này.