Tương lai của cựu Tổng thống Pháp Sarkozy sau phán quyết lịch sử của tòa án

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hôm 1- 3, ông Nicolas Sarkozy trở thành cựu Tổng thống đầu tiên của Pháp bị kết án tù vì tội tham nhũng và lạm dụng ảnh hưởng trong “vụ án nghe lén”. Ông Sarkozy đã gọi bản án là “một sự bất công sâu sắc", thậm chí muốn khởi kiện chính nước Pháp ra tòa án châu Âu, nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó.
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ phải đối mặt với ít nhất 3 phiên tòa riêng rẽ

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ phải đối mặt với ít nhất 3 phiên tòa riêng rẽ

Bản án 3 năm tù

Kết thúc phiên tòa diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp), cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị kết án 3 năm tù, trong đó có 1 năm về các tội danh tham nhũng và hối lộ. Ông Sarkozy bị kết tội cố hối lộ một thẩm phán để có được thông tin nội bộ về cuộc điều tra cáo buộc ông nhận các khoản tiền bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2007. Liên quan đến vụ việc, ông Thierry Herzog - luật sư của vị cựu Tổng thống và ông Gilbert Azibert - cựu thẩm phán cũng chịu mức án tương tự.

Phản ứng sau phiên tòa, ông Nicolas Sarkozy luôn nói rằng mình chưa bao giờ thực hiện “hành động tham nhũng nhỏ nhất” và tuyên bố dự định sẽ kháng cáo. Nếu kháng cáo không được, vị cựu Tổng thống vẫn có thể đệ đơn lên Tòa Giám đốc thẩm (tòa án cao nhất của Pháp) để xác minh việc áp dụng đúng luật. Ông cũng có thể chuyển sang Tòa án nhân quyền châu Âu (ECHR) khi đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các bản ghi âm nghe lén được cơ quan công tố thu được giữa ông và luật sư Herzog.

Được mệnh danh là “vụ án nghe lén”, cuộc điều tra bắt đầu năm 2013 khi các điều tra viên nghe trộm điện thoại của ông Sarkozy và luật sư Herzog. Các điều tra viên phát hiện ra 2 người này đã hứa với thẩm phán cấp cao Gilbert Azibert về một vị trí có tiếng ở Monaco nhằm đổi lấy thông tin về cuộc điều tra ông Sarkozy nhận những khoản tiền bất hợp pháp từ Liliane Bettencourt (người thừa kế hang L’Oreal) cho chiến dịch tranh cử năm 2007. “Có lẽ cuộc chiến này sẽ cần phải tiến hành trước Tòa án nhân quyền châu Âu. Tôi sẽ rất đau đớn khi phải lên án đất nước mình, nhưng tôi sẵn sàng làm như vậy bởi đó là cái giá của nền dân chủ” - ông Sarkozy nói với tờ Le Figaro.

Tranh cử năm 2022 liệu có khả thi?

Tuy đang trong thời gian kháng án, nhưng khả năng dễ xảy ra là ông Sarkozy sẽ phải chấp hành bản án tù, vì ông đã có 2 năm án treo dưới sự quản thúc tại gia bằng thiết bị giám sát điện tử. Trên thực tế, những hạn chế đó cũng cho thấy quyết định của thẩm phán đã có phần “ưu ái” với ông Sarkozy, trong đó yếu tố tuổi cao (66 tuổi) và từng làm Tổng thống chính là yếu tố giảm nhẹ. Một phần nữa là do ông không có khả năng tái phạm. Nhưng về tham vọng tranh cử Tổng thống năm 2022 thì sao?

“Ông Sarkozy không bị cấm tranh cử, nhưng những rắc rối pháp lý của ông vẫn chưa kết thúc dù cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022 đang đến gần. Tên của ông thường xuyên được giới chính trị gia và cử tri nhắc tới” - Jean Petaux, một nhà khoa học chính trị tại Sciences Po Bordeaux nói với tờ France 24.

Quá trình kháng cáo có thể mất vài tháng. Và sau phiên tòa “nghe lén”, ông Sarkozy phải đối mặt với 2 phiên tòa nữa về tài trợ chiến dịch. Trong khi đó, 2 tuần nữa cựu Tổng thống Pháp sẽ phải hầu tòa vì cáo buộc vi phạm các quy tắc tài trợ trong chiến dịch tranh cử thất bại năm 2012. Ngoài ra, các công tố viên Pháp đang xem xét về cáo buộc cho rằng nhà lãnh đạo quá cố Muammar Gaddafi của Libya đã cung cấp hàng triệu USD để giúp ông Sarkozy tranh cử trở thành nhà lãnh đạo nước Pháp trong cuộc đua năm 2007. “Vì vậy, có khả năng ông ấy sẽ không được tha bổng vào năm 2022” - ông Petaux nói.

Hơn thế nữa, bản án cũng làm hoen ố hình ảnh của cựu Tổng thống Pháp và ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của ông. Liệu người từng là ông chủ của điện Élysée có thực sự muốn trở lại chính trường không? Có vẻ như không! Bởi như lời ông nói: “Trang sách chính trị đã thực sự lật qua”.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã liên tiếp phải đối diện với các cáo buộc hối lộ kể từ sau khi rời nhiệm sở. Rút khỏi các hoạt động chính trị từ năm 2018, ông Sarkozy lại tái xuất năm ngoái, nhưng với phán quyết của tòa án hôm 1-3 thì con đường trở lại chính trường dường như là bất khả thi.