Tưởng được người nước ngoài tặng quà, hóa bị lừa

ANTĐ - Lên mạng xã hội (Facebook) nhắm vào những người có người thân ở nước ngoài để làm quen, sau đó gửi tặng những món quà và khi “cá” cắn câu, một số đối tượng người nước ngoài cấu kết với người Việt Nam, tự xưng là nhân viên sân bay, cán bộ Hải quan sân bay, đề nghị chuyển tiền để nhận quà. Nhiều người cả tin đã chuyển một số tiền lớn cho “người lạ” mới biết mình… bị lừa!

Tưởng được người nước ngoài tặng quà, hóa bị lừa ảnh 1Một đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam bị Phòng CSHS, CATP Hà Nội bắt giữ 

Những cuộc gọi từ số máy lạ

Qua Facebook, chị Nguyễn Thị H. ở Hà Nội kết bạn với người có tên Phillip… Sau một thời gian quen biết, Phillip ngỏ ý muốn gửi một khoản tiền cho chị H. để nhờ mua nhà tại Việt Nam. Chị H. đồng ý và cung cấp cho Phillip thông tin tên, địa chỉ, số điện thoại, email cá nhân của mình cho Phillip.

Ngày 24-8-2015, chị H. nhận được cuộc gọi từ số thuê bao +62.857.7533.9XXX, của một người giới thiệu tên là Martin, nhân viên công ty chuyển phát đang thực hiện việc chuyển hộp quà do ông Phillip gửi cho chị H. Martin thông báo với chị H. mình đang bị Hải quan 

Indonesia giữ hộp quà vì hộp có chứa tiền. Martin yêu cầu chị H. chuyển số tiền 4.700 USD vào tài khoản Ngân hàng V. (chi nhánh TP.HCM), mang tên Cao Thị A. để có thể nhận lại chiếc hộp trên. Chị H. đồng ý và chuyển số tiền theo yêu cầu. 

Ngày 26-8-2015, chị H. tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số thuê bao +84.1655.721.XXX, do Martin gọi và nói hộp quà đang ở sân bay tại TP.HCM và đang có “vấn đề” cần giải quyết với Hải quan Việt Nam. Đồng thời yêu cầu chị H. chuyển thêm 15.000 USD vào tài khoản vẫn mang tên Cao Thị A tại Ngân hàng V. để được Hải quan giải quyết cho lấy hộp quà. Sau khi chị Hằng đã chuyển tổng số tiền hơn 375 triệu đồng vào tài khoản mang tên Cao Thị A., đã phát hiện Phillip xóa tài khoản trên Facebook. Chị H. cũng không liên lạc được với Martin bằng những số thuê bao trên. Nghi ngờ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền, chị H. đã trình báo với cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội.

Tương tự, khoảng tháng 11-2014, thông qua Facebook, bà Nguyễn Thị D. (ở huyện Bắc Quang, Hà Giang) quen một người đàn ông ở nước ngoài và được người này gửi cho một hộp quà, kèm theo hình ảnh. Ngày 1-12-2014, bà D. nhận được cuộc điện thoại (đầu số 012.063.81XXX) từ một người phụ nữ xưng là cán bộ Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và cho biết, bà D. có một hộp quà đang bị giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Người phụ nữ này yêu cầu bà D. muốn nhận quà phải chuyển hơn 1.370 USD để nộp thuế và làm thủ tục nhận quà.

Tưởng thật, bà D. nhờ cháu gái là chị Nguyễn Thị H. chuyển gần 30 triệu đồng vào tài khoản mang tên Huỳnh Thị Mai T, mở tại Ngân hàng T. - Hà Nội, theo yêu cầu của người phụ nữ trên. Tuy nhiên, đến ngày 2-12-2014, người phụ nữ lạ lại tiếp tục liên lạc và yêu cầu bà D. phải chuyển thêm 3.000 USD, vì lý do lực lượng Hải quan sân bay nghi ngờ trong hộp quà có số tiền lớn không rõ nguồn gốc. Khi chuyển số tiền trên thì lực lượng Hải quan sẽ “cho qua” và bà D. có thể nhận hộp quà. Thế nhưng, sau khi đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của người phụ nữ bí ẩn, bà D. không hề nhận được quà…!

Thủ đoạn tinh vi

Theo chỉ huy Đội Phòng chống tội phạm có yếu tố nước ngoài (Đội 10), Phòng CSHS, CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đang thụ lý 5 vụ việc có nội dung tương tự, liên quan đến các đối tượng người nước ngoài cấu kết với các đối tượng trong nước, làm quen với người Việt Nam qua Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để tạo lòng tin, đối tượng chuyển cho người Việt Nam một số mặt hàng (nước hoa, quần áo…) dưới hình thức cho, tặng qua đường hàng không. Sau khi lấy được lòng tin, đối tượng tiếp tục thông báo sẽ chuyển tặng lô hàng có giá trị lớn. Đồng thời, các đối tượng móc nối với một người khác (là người Việt Nam) giả danh là nhân viên chuyển phát của bưu điện, nhân viên hàng không… trực tiếp gọi điện cho người bị hại yêu cầu chuyển tiền phí vào tài khoản ngân hàng để nhận hàng và khi tiền được chuyển vào tài khoản, đối tượng sẽ thực hiện rút tiền ở nước ngoài. 

Một trinh sát Đội 10, Phòng CSHS cho biết thêm: Đa số các thủ đoạn đều được các đối tượng lên Facebook làm quen, hòng moi thông tin của bị hại. Từ đó, móc nối “đóng kịch” gửi quà, giả làm cán bộ Hải quan để liên hệ với các bị hại, yêu cầu chuyển tiền để nhận quà. Khi chiếm đoạt được tiền, các đối tượng xóa dấu vết và “biến mất”. Đáng nói, nhiều tài khoản được mở tại các ngân hàng đều có thật, nhưng chủ tài khoản có thể được thuê, mượn.

“Việc một người có thể mở nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng và cũng không bị ngân hàng truy nguyên chính là kẽ hở trong việc quản lý tài khoản tại các ngân hàng. Bên cạnh đó, những chế tài xử lý về việc cá nhân mở tài khoản cho thuê, cho mượn chưa có, nên mọi công dân có thể làm mà không bị pháp luật xử lý. Do vậy, Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng cần nghiên cứu bổ sung”, chỉ huy Đội 10 cho biết.

Liên quan đến hành vi lừa đảo nói trên, Cảng hàng không sân bay Quốc tế Nội Bài (Chi nhánh Tổng Công ty Hàng không Việt Nam) cũng đã cung cấp danh sách tổng hợp các vụ việc (hành khách phản ánh có người xưng là nhân viên Hải quan sân bay gọi điện yêu cầu chuyển tiền để nhận hàng) để phối hợp với lực lượng CSHS - CATP Hà Nội và các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.