Tưởng dễ mà khó

ANTĐ - Bác có thích nghe tiếng còi xe không?

- Chừng này tuổi rồi mà còn hỏi ngớ ngẩn thế, chẳng ai thích tiếng còi xe cả, nhức hết cả đầu.

- Vậy sao chiều hôm qua chở tôi đi ăn cưới, bác bóp còi inh ỏi vậy?

- Thì người ta đứng ỳ trước mặt, hay lao xe vun vút từ trong ngõ ra không bóp còi mọi người biết đường nào mà tránh.

- Bác đã thấy vô lí chưa. Bản thân bác rất ghét tiếng còi, vậy sao bác lại bấm ngậu xị khi đi đường. Có những lúc đường vắng tôi cũng thấy bác bấm đấy?

- Thì đẹp trai, phong độ, đi xe xịn như tôi thỉnh thoảng cũng phải bóp một phát để thu hút sự chú ý của mọi người chứ.

- Thì ra bác bấm còi nhiều chỉ để thể hiện mình. Ở nước ngoài ai bấm còi vô ý thức đều bị người đi đường nhìn chằm chằm như nhìn con quái vật.

- Ở mình không làm thế được đâu, nhỡ nhìn phải thằng có võ thì có mà hết hơi. Sao ở nước ngoài họ ít bóp còi thế nhỉ?

- Thì còi xe bị vặt bán sang Việt Nam hết rồi lấy đâu ra nữa mà bấm.

- Theo bác có nên cấm bóp còi như một số kiến nghị gần đây không?

- Sao lại cấm. Nước ngoài, họ phát minh ra cái còi là chứa đầy tính nhân văn trong đó. Nhờ cái còi, mà sinh mạng người đi đường mới được đảm bảo. Vấn đề là, cần có cách thức giáo dục và chế tài đối với người sử dụng còi xe không đúng qui định. Dứt khoát phải phạt nặng những chủ xe lắp thêm còi, lắp không đúng chủng loại, bóp còi inh ỏi vào ban đêm, cạnh bệnh viện, trường học. Làm được thế cuộc sống sẽ trở nên thanh bình ngay.