- Bắt đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người ủng hộ từ thiện
- Hành vi làm giả bill chuyển tiền từ thiện có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Mới đây, một người đàn ông tên N ở phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã đăng lên mạng xã hội phản ánh việc con gái 9 tháng tuổi bị bạo hành bầm tím má khi gửi tại điểm trông giữ trẻ trên địa bàn phường kèm theo lời "cầu cứu" cơ quan chức năng vào cuộc.
Trong bài viết, anh N thông tin việc con mình đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên do bị ho, ói, viêm ruột. Sau khi thông tin trên được đăng tải, cộng đồng mạng đã gửi tiền vào tài khoản của người đàn ông này để giúp đỡ với số tiền 495 triệu đồng.
Tuy vậy, kết quả xác minh cho thấy cháu bé bị ngã lên đống đồ chơi, không có việc bị bạo hành. Với số tiền từ thiện anh N đã nhận được, công an phường sở tại đang xin ý kiến của cấp trên để xử lý.
Về lý do đăng tải thông tin trên mạng xã hội, anh N cho rằng do thương con gái nên đã đăng tin để đòi lại công bằng cho cháu và hoàn cảnh của anh hiện tại khá khó khăn khi đang là bố đơn thân.
![]() |
Thông tin người phụ nữ bị móc túi mất 9,5 triệu đồng khi đưa con trai xuống khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 là giả mạo |
Tương tự, trước đó trên mạng xã hội cũng lan truyền đoạn clip người phụ nữ ôm đứa trẻ gào khóc cầu cứu trong khuôn viên Bệnh viện Nhi đồng, TP. HCM với nội dung bị móc túi mất số tiền 9,5 triệu đồng để kêu gọi mọi người giúp đỡ.
Song theo cơ quan công an, người phụ nữ trong clip là Hồ Thị Xuân (SN 1987, ở Lâm Đồng) và thông tin bị móc túi mất số tiền 9,5 triệu đồng là sai sự thật. Cá nhân này cũng thừa nhận không có chuyện mình bị dàn cảnh móc túi mà do "vô ý" làm mất.
Thời gian qua, những bài viết trên mạng xã hội với nội dung sai sự thật về những bệnh nhân "ảo" mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại các bệnh viện nhằm kêu gọi từ thiện xuất hiện ngày càng nhiều. Mặc dù các cơ sở y tế đã lên tiếng cảnh báo về vấn nạn này, song do tâm lý nhẹ dạ, cả tin không ít người vẫn chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng có hành vi giả mạo, đăng tin sai sự thật, lừa đảo.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hành vi đăng tải thông tin kêu gọi từ thiện nhưng người bệnh không có thật hoặc có nhưng thông tin không chính xác nhằm mục đích nhận tiền của nhà hảo tâm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP, khi vận động, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên phương tiện truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận… Cá nhân tham gia vận động phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động, để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp…
Trường hợp dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tiền từ 2 -,3 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu toàn bộ số tiền đã kêu gọi, quyên góp được (theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Nếu hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù, thậm chí là tù chung thân.
"Ngoài ra, người mạo danh kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt còn có thể bị truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và có thể bị phạt tù đến 20 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, hoặc tịch thu một phần, hay toàn bộ tài sản" - luật sư Thu nhấn mạnh.