Từng bước “nhường sân”

ANTĐ - Những gì mà lĩnh vực tư nhân có thể làm tốt hơn thì Nhà nước nên dành cho tư nhân làm. Nhà nước giảm dần tỷ trọng đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, huy động nhiều hơn từ các thành phần ngoài Nhà nước tham gia, kể cả vào cơ sở hạ tầng. Đó là tinh thần của Nghị quyết Trung ương 3 đề cập tới tái cấu trúc đầu tư mà trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công. Đây cũng là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại buổi giao lưu trực tuyến với nhân dân mới đây.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, từ nay đến năm 2020, nước ta cần khoảng 160 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó vốn cho phát tiển đô thị 2-3 tỷ USD/năm, cho giao thông 2-3 tỷ USD/năm và điện 5-6 tỷ USD/năm. Khả năng đáp ứng của nguồn vốn ngân sách cố lắm cũng chỉ được chừng 50-60%. Mô hình hợp tác công ty được coi là sự lựa chọn “lý tưởng” trong chính sách đầu tư hạ tầng. Có ý kiến cho rằng, sự kém hiệu quả của đầu tư công do nguyên nhân cơ bản là Nhà nước vẫn đang “lấn sâu” vào những lĩnh vực, ngành nghề và khu vực mà doanh nghiệp tư nhân đang làm được và làm tốt. Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư đã dẫn ra những con số chi tiết để chứng minh là đầu tư công chẳng những đang giảm dần mà còn từng bước “nhường sân” cho tư nhân. Tới nay, tỷ trọng đầu tư của Nhà nước chiếm 53,4% tổng đầu tư toàn xã hội, khu vực tư nhân chiếm 32,6%. Giai đoạn 2011-2015 sẽ cố gắng kéo tỷ trọng đầu tư công xuống còn 37-39% và đẩy khối tư nhân lên 45-46%. Song cũng phải thừa nhận lực lượng tư nhân chưa phải đã thực sự mạnh.

Ông Bộ trưởng nhấn mạnh, sự tham gia của tư nhân ngày càng chiếm vị trí quan trọng, nhưng “phải từng bước”. Trước mắt, giữa công và tư, giữa đại diện quyền lợi cho người dân và nhà đầu tư tư nhân còn nhiều vướng mắc rất khó gỡ. Vướng mắc trong quy định giá trần dịch vụ và ưu đãi về đất đang khiến việc triển khai dự án theo hình thức công tư bị trì hoãn. Một số dự án tiền khả thi xây dựng bãi đỗ xe ngầm đã phải hoãn lại cho quy định khống chế giá trần dịch vụ khiến doanh nghiệp gặp khó khi không còn biên độ giá để kinh doanh. Thay vào đó, Chính phủ đưa ra ưu đãi về đất đai. Thực ra những ưu đãi này là thách thức đối với doanh nghiệp vì rất khó quy đổi giá trị của những ưu đãi này. Để có được “đất sạch” nhà đầu tư dường như phải “đối đầu” với người dân. Một số nhà đầu tư nước ngoài thẳng thắn chỉ rõ, họ rất khó xử do các cơ quan có thẩm quyền cấp địa phương thường “lẫn lộn” giữa vai trò chủ thầu và nhà tư vấn trong nghiên cứu, triển khai công trình. Tình trạng thiếu kiểm soát, quản lý ở cấp địa phương khiến các quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn, thậm chí liên tục bị phá vỡ. Vì thế, các doanh nghiệp tư nhân rất “rụt rè” khi tiếp cận các dự án và thường hay nản lòng, bỏ cuộc. 

Không riêng dự án bãi đỗ xe, tàu điện ngầm mà còn khoảng 90 dự án đầu tư hợp tác công tư với tổng vốn 7,1 tỷ USD. Đầu tư công từng bước “nhường sân” cho đầu tư tư nhân là xu hướng tất yếu, điều quan trọng là phải dung hòa lợi ích giữa công-tư và cộng đồng dân cư.