Từng bị sốt xuất huyết, có bị lại?

ANTĐ - Hỏi: Chào bác sĩ, tôi có một con gái năm nay 6 tuổi. Cháu đã từng bị sốt xuất huyết năm 5 tuổi. Vậy xin hỏi con tôi có bị sốt xuất huyết lại nữa không? Làm thế nào để phòng chống?

Trả lời: Chào bạn, sốt xuất huyết không phải là bệnh miễn dịch suốt đời. Vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 týp huyết thanh DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Cơ thể của cháu chỉ tạo ra kháng thể bảo vệ đối với 1 týp vi rút cháu mắc năm vừa rồi, các týp vi rút còn lại thì không. Vì vậy, cháu vẫn có thể mắc sốt xuất huyết trở lại. 

Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua trung gian muỗi Aedes Agypti (muỗi vằn). Đây là loại muỗi sống ngay trong nhà hoặc chung quanh nhà chúng ta, đẻ trứng ở những chỗ chứa nước sạch (lu vại, bình cắm hoa, những vật dụng phế thải vứt quanh nhà chứa đựng nước mưa). Nếu nơi chúng ta ở có muỗi vằn sinh sống và có người mang vi rút Dengue thì khả năng lây bệnh sốt xuất huyết là rất cao, đặc biệt là trẻ em. Bệnh có thể lây thành dịch, nhất là vào mùa mưa. Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất hiện nay vẫn là “diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngừa muỗi chích”.

Muỗi đốt làm lây bệnh SXH. Triệu chứng theo phân độ SXH như sau: Độ 1, bệnh nhân có sốt cao liên tục từ 2 - 7 ngày; dấu hiệu dây thắt dương tính. Độ 2: triệu chứng như độ 1, có thêm xuất huyết dưới da, có thể có mảng bầm tím, chảy máu mũi, lợi, đi tiểu ra máu, xuất huyết nội tạng, gan to. Độ 3: triệu chứng như độ 2, có thêm dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, da lạnh ẩm, bệnh nhân bứt rứt hay vật vã li bì. Độ 4: bệnh nhân bị sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được. Bệnh nhân có thể chuyển từ độ nhẹ sang độ nặng. Nếu bé đã bệnh qua ngày thứ 7, hết sốt được 48 giờ mà không cần dùng thuốc hạ nhiệt, bé tươi tỉnh hơn, biết chơi và đòi ăn trở lại thì gia đình có thể yên tâm.

SXH độ 1,2 có thể điều trị tại nhà, chủ yếu là chữa triệu chứng, cho bệnh nhân uống dung dịch oresol, nước trái cây, nước cháo. SXH độ 3,4 phải điều trị tại bệnh viện để theo dõi, xử trí sốc mới tránh được nguy hiểm.

Phòng bệnh chủ yếu là tránh muỗi đốt, diệt muỗi và diệt lăng quăng.

BS Trần Hồ Hải, (Phòng khám đa khoa Hải Việt)