"Tuấn thuốc phiện" - thời làm đại ca và những năm hút thuốc phiện thay cơm

ANTĐ - “Đằng đẵng bao nhiêu năm, tôi chỉ biết hút thuốc phiện với uống rượu trắng. Có những đêm tụ tập cả đám hút thâu đêm. Lạ, càng hút càng hăng như có một ma lực nào đó. Tôi buông xuôi tất cả, mặc cho số phận, chỉ có hút và say, cuộc đời muốn đến đâu thì đến. Cứ ngỡ cuộc đời sẽ mãi đắm chìm trong sự cám dỗ đó. Những bỗng một ngày tỉnh ngộ khi thấy những cái chết của các con nghiện là bạn mình…” -  Nông Ngọc Tuấn, xã Ea Wy, Ea H’Leo, Đắk Lắk mở đầu câu chuyện về những ngày tháng đen tối của mình như vậy…

Suốt nhiều năm hút thuốc phiện thay cơm rồi Nông Ngọc Tuấn cũng đã quyết tâm từ giã

Nghiện khi mới 12 tuổi

12 tuổi, Nông Ngọc Tuấn đã vận chuyển thuốc phiện từ biên giới về chất đầy trong nhà để hút dần. Không chỉ có thuốc phiện mua hoặc giành giật hay xin được mà trên nương rẫy nhà mình, Tuấn trồng bạt ngàn thuốc phiện. Ông Nông Văn Hội, một người quen của Tuấn cho biết: “Ngày đó hầu như ai ở miền núi phía Bắc cũng biết đến cái tên của Tuấn, cái danh “Tuấn thuốc phiện” nhanh chóng nổi như cồn. Ai cần bao nhiêu cứ tìm đến Tuấn là có ngay. Dưới trướng của Tuấn có rất nhiều đàn em cũng miệt mài bán sức khỏe lẫn tuổi trẻ cho thứ ma túy huyễn hoặc chết người này. Họ say với cảm giác được lên tiên. Thế nhưng ít ai ngờ được chính họ đang hủy hoại  sức khỏe, giết chết sự sống hàng ngày. Họ hút triền miên ngày này qua tháng khác, nhất là những đêm mưa giữa núi rừng Tây Bắc, họ hút thuốc phiện như mở hội vậy. 

Đến Ea Wy trời đã xế trưa, đang trò chuyện, bỗng Tuấn nhìn ra phía chợ Ea Wy như sực nhớ ra điều gì, anh dằn mạnh ly nước xuống bàn, rồi kể về quãng đời 20 năm trước: “Năm nay tôi 54 tuổi rồi, năm 1982 chúng tôi có một nhóm khoảng 40 người di cư từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên vào đây, thấy đất rộng nên những người khác cũng ùn ùn kéo vào và chẳng mấy chốc nên làng nên xã”. Ngày mọi người vào Ea Wy, hành trang mang theo không phải là của cải mà mỗi người cõng theo một bao thuốc phiện. Hút thuốc phiện hồi đó giống như một cái thú vui, nhất là trong mỗi dịp lễ Tết. Không có thuốc phiện là cứ như thiếu vắng đi một điều gì đó. 

Không chỉ đàn ông, mà phụ nữ cũng xem thuốc phiện như một thú tiêu khiển hàng ngày. Nhất là sau một ngày làm lụng mệt nhọc. Trần Thị Hòa bộc bạch: “Làng bên, xã bên muốn có nhiều thuốc phiện để hút thì cứ việc dắt trâu, chở lúa, mỳ sang gặp “Tuấn thuốc phiện” là có hàng ngay. Muốn hút bao nhiêu chẳng có”. Ngày ấy nhiều thời điểm, nhà Nông Ngọc Tuấn cứ như cái kho chứa thuốc phiện vậy. Một người còn kể: “Trên đường di cư, cứ mỗi lần nghỉ giải lao chúng tôi quần tụ lại hút thuốc phiện. Tuy nhiên, phải được sự đồng ý của ông Tuấn mới hút. Ai cũng xem Tuấn là “anh cả” trong món này. Bởi hầu hết “hàng” ngon đều nằm trong tay “anh cả”. Nếu không biết lễ phép Tuấn cho nhịn ngay. Con đường từ Miền Bắc vào, trên chuyến xe ấy, đoàn người di cư của Nông Ngọc Tuấn không nhớ mình đã hút hết bao nhiêu thuốc phiện, họ chỉ nhớ rằng cứ thèm thì hút giống như người ta khát nước thì uống vậy thôi, chẳng phải nghĩ ngợi gì. Anh Nông Văn Toàn - một người di cư kể lại: “Gần một nửa diện tích trong chiếc xe ca hôm ấy đều chất đầy thuốc phiện. Tài xế cứ nghĩ đó là lương thực nhưng nào đâu có phải”. 

Những đêm “cúng lễ” bằng thuốc phiện

“Nhanh thật, cái món này hút mãi không biết chán. Có gia đình mấy đời đều hút thuốc phiện, trẻ em lên 15 tuổi đã dính vào món này rồi. Chuyến di cư đó, chất chồng mấy chục bao tải nhưng vào Tây Nguyên chỉ được mấy tháng là chia nhau hút hết. Sau khi hút hết số thuốc phiện mang theo lúc đầu chúng tôi tiếp tục  ra biên giới phía Bắc vận chuyển vào để hút tiếp vì thói quen này không thể dừng lại được. Tuy nhiên, cùng với sự cấm đoán của Nhà nước, sự truy bắt gắt gao của các ngành chức năng nên lượng thuốc phiện kiếm được để mang vào ngày càng khan hiếm. Có lần các đệ tử của Nông Ngọc Tuấn về Bắc cả tuần cũng chỉ kiếm được vài kg thuốc phiện là cùng. Cứ mỗi lần như vậy chúng tôi lại mở tiệc linh đình và hút thâu đêm” -  Nông Đức Minh nhớ lại nhiều năm trước kia.

Hồi đó xã Ea Wy chưa thiết lập địa giới hành chính và hệ thống chính quyền rõ ràng, nên số người di cư vào chia làm 3 bang, Nông Ngọc Tuấn làm bang chủ bang một. Tuấn nói tiếp: “Tôi làm bang chủ nên những người mới vào phải “cúng lễ” thuốc phiện cho tôi nên ngày nào cũng có thuốc hút thoải mái. Hồi đó, rừng rậm còn nhiều muông thú nhưng cũng không thiết đi săn lắm vì vừa uống rượu vừa hút thuốc phiện là no rồi, phê rồi không thiết tha gì nữa. Việc vỡ vạc đất đai và gieo hạt giao cho phụ nữ. Thế nên cảnh nghèo nàn cứ kéo dài đằng đẵng và đeo bám lấy từng người dân. Nhưng đã chìm và thuốc phiện rồi thì không nghĩ được gì hết”.

Lội qua mấy trăm mét đường đất, tôi đến nhà Sạc Văn Long, một trong những đệ tử thân tín của Tuấn, Long cũng có một thời, mỗi năm hút cả bao tải thuốc phiện. Long nhớ lại: “Không nhớ được mình đã hút hết bao nhiêu đâu, chỉ nhớ hồi đó ngoài quê cũ đưa vào nhiều lắm nên chỉ biết hút thôi, mà uống rượu kèm hút thuốc phiện lúc đó là cái mốt đấy, ai cũng bắt chước nhau làm theo chứ có biết nó sẽ để lại tác hại dai dẳng sau này đâu. Tôi là người thân cận nhất của ông Tuấn nên thường được hút hàng ngon, hút nhiều hơn”. Do còn có người quen ở ngoài Cao Bằng, Lạng Sơn nên những ông trùm nghiện như Tuấn và Long dù có khó khăn nhưng không bao giờ thiếu mối kết nối hàng. Từ sự khởi xướng này, cứ thế cơn lốc ma túy lan rộng từng ngày, ai cũng hút. Ông Sự, vừa cai nghiện ma túy cách đây vài năm nhớ lại: “Ngày đó nếu ai đi lấy được thuốc phiện hay bỗng nhiên kiếm được nguồn hàng ở đâu đó mà không “cúng” lên cho Tuấn trước là gặp xui xẻo ngay. Những ngày sau đó có thèm thuồng đến đâu cũng không được cấp thuốc cho hút nữa. Phép tắc và những quy định miệng vẫn được truyền tai nhau và thực hiện rất ngăn nắp đấy”.

Mơ thấy cái chết tức tưởi

Sau bao nhiêu năm làm bang chủ và chìm đắm trong ma túy, Nông Ngọc Tuấn đã phải trả giá bằng căn bệnh hô hấp và nhói tủy sống. Nhưng bệnh tật cũng không đủ làm Tuấn sợ hãi mà từ giã ma túy. Mà phải đến lúc hàng đêm đều giáp mặt với tử thần Tuấn mới biết kinh sợ. Tuấn bộc bạch rằng: “Tủy sống nhói buốt hàng đêm cứ như có hàng nghìn chiếc kim châm chích vào khiến cho tôi không tài nào ngủ được. Thỉnh thoảng mới có được một giấc ngủ nông nhưng mộng mị cứ kéo về rối bời. Tôi liên tục mơ thấy mình chết tức tưởi, quằn quại và đau đớn. Lúc chết xuống mồ, khói thuốc phiện vẫn vây đặc kín xung quanh người. Những giấc mơ như thế khiếp hãi lắm. Sợ hơn nữa là nó cứ kéo về liên tục trong những đêm tủy sống đau nhói. Từ đó tôi dần ngộ ra phải bỏ ma túy”. Ý chí đoạn tuyệt của Nông Ngọc Tuấn như được tiếp thêm sức mạnh khi vợ con anh phải từng ngày đi hái rau rừng ăn thay cơm. Tuấn bảo: “Là một trùm hút ma túy nhưng đến thời gian gần đây cũng không còn hàng mà hút nữa.

Không còn ai “cúng” cho nữa nên các đồ đạc quý giá trong nhà cũng lần lượt bị tôi bán hết để đi lùng sục mua ma túy hút. Hút tới mức đứa con út khóc ngằn ngặt vì bệnh, sốt cao mà không có nổi trăm nghìn đồng để đi mua thuốc cho con. Điều đó càng khiến tôi ân hận hơn, quyết tâm đoạn tuyệt mạnh mẽ hơn. Không cần phải đến trung tâm nào hết, tự tôi nhốt mình trong gian nhà dằn vặt đến đâu, nghĩ về con cái mình đến đó. Thế nên cơn thèm khát nó cũng dần dần qua đi. Đoạn tuyệt được với ma túy, tủy sống của tôi cũng không còn nhiều sự buốt nhói như trước kia nữa. Ngày đó, cũng bởi nghiện ngập, khi thuốc phiện không còn dồi dào nữa, các đệ tử của Tuấn như Nông Lâm Chiến, Nông Văn Lâm cũng dính vào trộm cắp để lấy tiền hút chích. Sau hai lần vào trại giam, 2 kẻ nghiện ngập này cũng đã thức tỉnh và bắt chước Tuấn kiếm sợi dây cột chân mình lại mỗi lần chuẩn bị lên cơn thèm thuốc, vết trói trên chân Chiến cũng tứa máu. Chiến hướng mắt ra xa buông một câu buồn bã rằng: “Chỉ mong qua được, nhưng cái món này dễ cám dỗ lắm, cai rồi có khi lại thèm và nghiện lại. Nhưng nghĩ kỹ, hút thâu đêm ngày như Tuấn còn cai được lẽ nào mình lại không. Thế là quyết chí cai”.