Tuần dương hạm Varyag và “mũi vu hồi Trung Đông”

ANTĐ - Ngày 11-11, tuần dương hạm tên lửa Varyag, tàu chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga, đã cập cảng Alexandria nằm trên bờ Địa Trung Hải của Ai Cập bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu chiến Nga tới Ai Cập kể từ năm 1992 và là một trong những sự kiện cho thấy, Nga bắt đầu nỗ lực trở lại khu vực này sau nhiều thập kỷ nằm dưới sự ảnh hưởng của Mỹ.

Chuyến thăm của tàu tuần dương Varyag diễn ra chỉ 2 ngày trước chuyến thăm của một phái đoàn quan chức Nga do Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu dẫn đầu tới Ai Cập nhằm tăng cường mối quan hệ quân sự và chính trị với quốc gia bắc Phi này.

Theo phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương, Đại tá Rank Roman Martov, trong thời gian ở thăm cảng Alexandria trong 6 ngày, các thủy thủ của tàu sẽ đến thăm và giao lưu với các quan chức chính quyền địa phương và hải quân Ai Cập và tham gia một loạt các sự kiện văn hóa, thể thao.

Tàu Varyag, một tàu tuần dương tên lửa lớp Slava được thiết kế như một tàu tấn công chống hạm được trang bị các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không tầm xa, hiện đang tham gia lực lượng đặc nhiệm thường trực của Hải quân Nga ở Địa Trung Hải, bao gồm khoảng 10 tàu chiến thuộc cả 4 hạm đội của Hải quân Nga.

Tuần dương hạm Varyag thuộc lớp Slava của Nga

 

Đối với Moscow, việc nối lại các mối quan hệ quân sự với Ai Cập có thể là dấu hiệu của sự trở lại Trung Đông trong khi ngoại giao của Mỹ đang gặp trở ngại đối với toàn bộ khu vực này.

Cuối tuần trước, một tờ báo mạng của Palestine dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, Ai Cập đang cân nhắc chi đến 4 tỷ USD cho việc mua các loại vũ khí hiện đại của Nga nhằm thay thế vũ khí Mỹ, sau khi Mỹ tuyên bố đình chỉ một phần viện trợ quân sự và cung cấp vũ khí cho nước này.

Theo trang báo mạng Donia Al-Watan, Nga đã đề xuất cho Ai Cập "một thỏa thuận lịch sử trao cho nước này một lựa chọn mua sắm những vũ khí hiện đại nhất mà không có bất kỳ hạn chế nào".

Trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, Liên Xô và Ai Cập có mối quan hệ chặt chẽ với nhau khi ông Abdel Nasser lãnh đạo quốc gia Ả-rập này. Nhưng trong sau khi ông Nasser qua đời, Tổng thống mới Anwar Sadat đã bắt đầu đưa quan hệ của nước này chuyển hướng sang các nước phương Tây và trục xuất khoảng 20.000 cố vấn quân sự Nga tại Ai Cập về nước vào tháng 7-1972. Kể từ đó, quan hệ song phương giữa hai nước luôn ở mức lạnh nhạt.