Tự ý "xử con nợ", rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật

ANTD.VN - Ứng tiền trước nhưng công nhân“lặn” mất tăm, chủ thầu xây dựng đã lùng sục người thợ đưa về nhà giam giữ, đòi người thân mang tiền đến trả mới thả. Những hành vi kiểu như vậy đã khiến nhiều người vướng vòng lao lý chỉ vì không biết mình vi phạm pháp luật, với tội danh bắt giữ người trái pháp luật. 

Tự ý "xử con nợ", rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật ảnh 1Tìm con nợ đưa về cửa hàng, yêu cầu gọi điện cho người nhà mang tiền đến chuộc là hành vi bắt giữ người trái pháp luật (Hình ảnh thực nghiệm hiện trường một vụ bắt giữ người trái pháp luật trên địa bàn quận Nam Từ Liêm)

Đòi nợ bằng nắm đấm

Hà Nội hiện có hàng trăm công trình lớn nhỏ đang thi công hàng ngày, đòi hỏi một số lượng lớn người lao động phổ thông. Chính từ sự khan hiếm nguồn cung này, các chủ thầu xây dựng phải lùng tìm khắp nơi, ứng trước tiền công mới mong có người làm thuê để kịp tiến độ công trình. Cũng như nhiều chủ thầu xây dựng khác, Lê Văn Lâm (SN 1985), trú tại huyện Yên Định, Thanh Hóa cũng phải ứng trước số tiền 2,6 triệu đồng cho Lường Văn Tuấn, ở huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên để anh Tuấn về làm thuê cho Lâm. 

Nhận được số tiền trên, Tuấn không làm mà “chuồn” một mạch về quê. Vừa mất tiền, vừa không có người làm, Lâm đã nhờ một nhóm người quen đi tìm và “treo thưởng” 1,5 triệu đồng cho ai  tìm thấy Tuấn. Ngày 23-9, nhóm người do Lâm thuê nắm được thông tin Tuấn về Hà Nội và đang ở Bến xe Mỹ Đình, liền tới đây tìm  “con nợ”, ép lên xe taxi đưa về giao cho Lâm. Do Lâm không ở Hà Nội, nên đã bảo Nguyễn Văn Tuyền (SN 1989), trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội đưa Tuấn về phòng trọ khóa lại. 

20h cùng ngày, Lâm đến trả tiền công  cho nhóm Tuyền và đưa Tuấn về lán trại công nhân của mình. Tại đây, Lâm mua 1,5m dây xích và khóa để xích Tuấn vào cột nhà, rồi dùng tay chân đấm đá liên tiếp. 

“Vay tiền không cần thế chấp, không giấy vay nợ, không người làm chứng, nên khi đòi nợ hoặc xem xét về hành vi lạm dụng tín nhiệm tài sản của người vay thì gần như không có chứng cứ cung cấp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, dẫn đến nhiều “chủ nợ” không tin rằng mình được luật pháp bảo vệ và phải tự xử lý món nợ của mình. Nhiều vụ bắt giữ người trái pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật là vì thế”. 

Luật sư Đặng Tuấn Bách (Công ty Luật Thiên An)

Sáng 24-9, lợi dụng lúc đi vệ sinh, Tuấn bỏ trốn và bị Lâm bắt được, đưa về lán trại tiếp tục dùng nắm đấm đe dọa. Lâm  điện thoại cho bố Tuấn là ông Lường Văn An  yêu cầu mang 6 triệu đồng tới chuộc con. Ông An mang 2 triệu đồng đến nơi hẹn nhưng Lâm không nhận, ra yêu sách ngày 26-9 gia đình phải mang 10 triệu đồng đến thì mới thả người… 

Tương tự, tin tưởng vào mối quan hệ làm ăn thông thường, Nguyễn Đức Anh (SN 1991) trú tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình đã cho Nguyễn Khắc Hải (SN 1992) trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vay số tiền 39 triệu đồng và chỉ thỏa thuận bằng miệng, không có giấy tờ thế chấp. Đến hẹn, Hải không trả mà nhắn tin cho Đức Anh biết sẽ thuê người “xử lý” Đức Anh. Bức xúc vì sự tráo trở này, Đức Anh đã tìm Hải đưa về cửa hàng và gọi điện thoại yêu cầu người nhà mang tiền đến trả thì mới cho Hải về…

Trước đó, do có mối quan hệ quen biết thông qua việc buôn bán tại chợ đầu mối ở huyện Sóc Sơn, ngày 24-11-2016, anh Đào Văn Thành, ở thôn Miếu Thờ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) viết giấy vay Đỗ Thị Hạnh (SN 1984) trú tại thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội số tiền 90 triệu đồng, hẹn trong 2 năm sẽ trả. Nhưng đến tháng 4-2017, anh Thành mới trả được 7 triệu đồng và từ đó đến nay không có khả năng thanh toán.

Cho rằng anh Thành có ý định “bùng”, Hạnh đã thuê nhiều đối tượng đi tìm anh Thành đòi nợ. Nhóm này đã đưa anh Thành đến khu vực núi Sóc, ép phải gọi điện thoại cho gia đình mang tiền đến chuộc. Do quá sợ hãi nên anh Thành đã gọi điện thoại cho vợ là chị Dương Thị M., mang 1 cây vàng và 17 triệu đồng tiền mặt đưa trực tiếp cho Hạnh tại chợ đầu mối huyện Sóc Sơn. Nhận được tiền và vàng, Hạnh đã thông tin lại cho Vinh thả Thành ra đường 131 và trả lại xe máy.

Kết “đắng” của sự thiếu hiểu biết pháp luật

Với những vụ việc nêu trên, các “chủ nợ” phải đối mặt với bản án bắt giữ người trái pháp luật. Tiền mất, họ lại gánh thêm bản án của pháp luật.  “Tôi chỉ nghĩ đơn giản, việc vay nợ là chuyện cá nhân, không đòi được tiền của người vay thì gia đình phải chịu trách nhiệm về khoản nợ ấy. Khi người vay lẩn trốn, phải tìm bắt đưa về nhà, yêu cầu trả nợ, chứ không hề nghĩ rằng mình đang vi phạm pháp luật” - Đức Anh “chủ nợ” bị dọa giết trần tình. 

Trong nhiều năm qua, lực lượng chức năng, cùng với Hội Luật gia các cấp đã tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến với đông đảo người dân, nhưng không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận. Bên cạnh đó, Theo Thượng tá Nguyễn Văn Lân, Phó Trưởng CAQ Nam Từ Liêm, với sự bùng nổ của hoạt động “tín dụng đen”, dù lực lượng công an đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, hạn chế tình trạng này, nhưng nhiều cơ sở kinh doanh cầm đồ, cho thuê tài chính vẫn lén lút hoạt động. Những người có nhu cầu vay tiền vẫn tìm đến đây vì thủ tục vay quá dễ dàng. 

“Phần nhiều các vụ bắt giữ người trái pháp luật xảy ra trên địa bàn gần đây đều liên quan tới việc vay nợ “tín dụng đen”. Đó là bài học cảnh báo một số đối tượng đang cho vay bằng hình thức tín chấp, cho thuê tài chính theo kiểu cho vay tiền với mức lãi suất cao, người vay không trả được dẫn đến người cho vay đòi tiền bằng cách bắt giữ người trái pháp luật, thì hậu quả đương nhiên “chủ nợ” phải gánh chịu” - chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm cảnh báo.