Tự ý vào tài khoản facebook của người khác có thể bị phạt tới 50 triệu đồng

ANTD.VN -Tự ý vào tài khoản facebook của người khác có thể bị phạt tới 50 triệu đồng là một trong những nội dung trong Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin mạng và an toàn thông tin mạng dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2018.

Dự thảo dự kiến thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định 49/2017/NĐ-CP. So với những quy định trước đây, Dự thảo Nghị định này có nhiều điểm mới quan trọng, đặc biệt là những quy định đối với những người sử dụng mạng xã hội.  Dự thảo đã quy định khá rõ ràng các hành vi vi phạm, khung tiền phạt, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm về an toàn thông tin mạng.

Lập tài khoản giả mạo sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng

Theo Dự thảo,  hành vi cung cấp thông tin không chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân  sẽ bị phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng. Ngoài ra, nếu cá nhân lấy nguyên thông tin cá nhân người khác để tạo tài khoản giả mạo, số tiền phạt có thể lên tới 20 triệu đồng. 

Trường hợp lợi dụng mạng xã hội để cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, lô đề, cờ bạc, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc…sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng. Đặc biệt, cá nhân truy nhập trái phép tài khoản mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt rất nặng, từ 30 – 50 triệu đồng.

Cần thận trọng khi sử dụng mạng xã hội (ảnh minh họa)

Ngoài việc xác định hành vi vi phạm của người sử dụng, Dự thảo còn quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Theo đó, hành vi sử dụng thông tin cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Trường hợp nhà cung cấp dịch vụ không có biện pháp bảo vệ thông tin riêng hoặc thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định; Cung cấp thông tin có nội dung mê tín dị đoan…sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Liên quan đến các quy định trên, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định,  “Dự thảo đã đưa ra mức phạt tiền rất cao đối với các đối tượng sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền thông tin sai sự thật, vu khống, kích động, nhục mạ người khác. Trong khi mạng xã hội đang phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay với hàng triệu người truy cập mỗi ngày thì việc nêu rõ mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm nhằm giúp bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường mạng xã hội ngày càng tốt hơn, góp phần đảm bảo sự ổn định xã hội, hạn chế việc xảy ra những hệ lụy đáng tiếc”.

Xuyên tạc lịch sử sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng!

Cũng theo Dự thảo Nghị định, tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước; Cung cấp bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia; Cung cấp thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Đối với vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, khi thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm quy định pháp luật; Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định; Miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh; Cung cấp nội dung thông tin mê tín dị đoan…cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Đặc biệt, một trong các hành vi: Tuyên truyền chống Nhà nước; Xuyên tạc sự thật lịch sử, xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Cung cấp thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em sẽ bị phạt tiền từ 70-100 triệu đồng.

Liên quan đến vấn nạn tin nhắn rác, trong trường hợp nhà mạng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác;  Không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác sẽ có nguy cơ bị phạt tiền tới 40 triệu đồng/1 hành vi.

Có thể nói, thời gian qua những vi phạm khi sử dụng mạng xã hội đã diễn ra phổ biến gây hậu quả khá nghiêm trọng. Tuy vậy, việc xử lý tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi còn gặp khó khăn do các quy định pháp luật còn chung chung, thiếu chế tài. Vì vậy, việc ban hành Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin mạng và an toàn thông tin mạng là rất cần thiết.

“Để Nghị định này khả thi trong thực tế, cơ quan ban hành cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân,  chỉnh sửa các quy định cho rõ ràng, dễ thực hiện, chế tài đặt ra phải tương xứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm, đồng thời tăng cường tuyên truyền quy định này đến người dân để họ nắm được và tự giác thực hiện”- Luật sư Lê Hồng Vân đề xuất.