Tự ý chữa bỏng có thể chết người

ANTĐ - Vụ việc cháu bé 10 tháng tuổi vừa tử vong hồi đầu tháng 10 do chữa bỏng tại một cơ sở y học cổ truyền “chui” ở Cầu Giấy (Hà Nội) chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp tìm đến chữa bỏng tại nhà các thầy lang. Tính riêng tại khoa Bỏng - BV Xanh Pôn, hầu như tháng nào cũng tiếp nhận vài ca tương tự.

Truyền dịch cho bệnh nhân bỏng tại BV Xanh Pôn

Nhiều ca tai biến nguy kịch

Các bác sĩ khoa Bỏng - BV Xanh Pôn vẫn nhớ như in trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Đức Tr. (43 tuổi, ở Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) mới được khoa cứu sống thành công sau gần 1 tháng nằm viện trong tình trạng thập tử nhất sinh. Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng cho biết, bệnh nhân Tr. bị bỏng nhiệt diện tích rất rộng, được người nhà đưa vào cấp cứu tại BV Bỏng Quốc gia. Sau 5 ngày điều trị tại đây thì gia đình tự ý xin cho về nhà điều trị bằng thuốc đông y. Bệnh nhân được đưa đến nhà một thầy lang tại địa phương để đắp thuốc hàng ngày kết hợp với các loại thuốc điều trị gồm cả đông y lẫn tây y do thầy lang chỉ định. Hệ quả là sau gần chục ngày điều trị tại nhà thầy lang, vết bỏng không đỡ mà ngày càng lan rộng, loét sâu, gây nhiễm trùng huyết. Khi đến cấp cứu tại BV Xanh Pôn, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng vô cùng nguy kịch, mê sảng, hơn 20 ngày điều trị tích cực mới qua khỏi.

Thương tâm nhất là những trường hợp bỏng trẻ nhỏ, do sức đề kháng của các bé còn yếu nên khi điều trị tùy tiện, rất dễ bị nhiễm trùng, nguy hiểm tới tính mạng. Điển hình là trường hợp một cháu bé 2 tuổi ở Sóc Sơn (Hà Nội) vào cấp cứu tại khoa Bỏng – BV Xanh Pôn trong tình trạng hoại tử da quanh vết bỏng, sốc nhiễm khuẩn và nhiễm trùng huyết nặng nên được chuyển tiếp đến BV Bỏng Quốc gia nhưng sau đó đã tử vong. Cháu bé này bị bỏng do nước canh nóng đổ vào người, tổn thương bỏng ở vùng bụng, lưng và hai tay. Vết bỏng tuy rộng nhưng không sâu, nếu được đưa ngay đến BV điều trị thì tình trạng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên do bệnh nhi này được đưa vào nhập viện quá muộn sau khi tự điều trị bằng thuốc nam hàng tuần lễ, khiến biến chứng do bỏng ngày càng nặng.

Cũng tại BV Xanh Pôn, kỷ lục về độ tuổi bệnh nhân bỏng tự ý điều trị bằng thuốc đông y dẫn đến biến chứng nguy kịch là một bà cụ 90 tuổi ở ngoại thành Hà Nội. Sau khi điều trị bằng đông y, toàn bộ phần da thịt ở vết bỏng của bà cụ bị hoại tử (thối thịt), gây nhiễm trùng rất nặng.

Nguy cơ rủi ro cao

Trên thực tế, đông y cũng có nhiều phương thuốc, bài thuốc chữa bỏng hiệu quả. Bác sĩ Nguyễn Thống cho biết, những đề tài nghiên cứu của BV Bỏng Quốc gia công bố gần đây về các phương pháp chữa bỏng không hề phủ nhận vai trò, tác dụng của việc chữa bỏng bằng đông y. Tuy nhiên để chữa bỏng bằng đông y đòi hỏi người thầy thuốc phải thực sự có kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm. Còn lại, những ca bỏng được chữa khỏi nhờ các thầy lang trong dân gian thường là những ca nhẹ hoặc có tính chất may rủi, nghĩa là cùng phương thuốc đó nhưng có bệnh nhân khỏi, bệnh nhân không. 

Phân tích trên phương diện khoa học cũng cho thấy việc tự ý điều trị bằng thuốc đông y theo các phương pháp gia truyền hoặc các thầy lang luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Chẳng hạn, để đánh giá tính chất của vết bỏng, các thầy lang chỉ quan sát bằng mắt thường nên rất khó xác định được chính xác độ bỏng (mức độ nông, sâu cụ thể), trong khi với những ca bệnh nặng ngoài đánh giá bằng cảm quan còn phải dựa vào các xét nghiệm điện giải, chỉ số mạch, huyết áp… từ đó mới đưa ra chỉ định phù hợp. Nếu không đánh giá chính xác được mức độ vết bỏng mà cho đắp thuốc nam luôn thì không kiểm soát được vết thương, dễ gây nhiễm khuẩn, nhiễm trùng vết bỏng. Khâu tiếp theo là giảm đau, đây là 1 trong 2 công đoạn rất quan trọng trong cấp cứu bệnh nhân bỏng ở 48 giờ đầu tiên, thế nhưng các thầy lang thường không có kiến thức về tây y nên khó đưa ra chỉ định chính xác về việc dùng thuốc giảm đau cũng như thuốc kháng sinh, trợ sức, an thần, tạo màng…

Với những bệnh nhân bị bỏng rộng (ở trẻ em có thể từ bỏng rộng 5% trở lên) thì phải truyền dịch, vì khi bỏng rộng sẽ dẫn đến mất nước, từ đó gây suy tuần hoàn, tăng huyết áp. Thế nhưng các phương pháp điều trị bằng đông y, nhất là điều trị bởi các thầy lang tại địa phương thường không có truyền dịch. 

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân bỏng có thể kết hợp điều trị bằng đông tây y nhưng tốt nhất nên đến các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và chỉ định.