Từ vụ tiêm vaccine Covid-19 cho bé gái 13 tuổi: Tiêm sai đối tượng bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, một bé gái tên P.K.T. (13 tuổi, ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) đã được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer vào các ngày 11/8, 4/9. Sự việc một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi: Vì sao việc tiêm vaccine phòng Covid-19 sai đối tượng vẫn liên tục tái diễn?

Liên quan đến vụ tiêm vaccine Covid-19 cho bé gái 13 tuổi ở Cần Thơ, được biết, sau khi vụ việc xảy ra, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra sự việc.

Sau đó, Thường trực UBND quận Thốt Nốt họp và thống nhất đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Kim Hải - Giám đốc Trung tâm y tế quận Thốt Nốt vì tự ý tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi khi chưa xin ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian này, các cơ quan chuyên môn sẽ kiểm tra mức độ vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp.

Ngoài ông Hải, bà D.K.Q (nhân viên y tế phường Tân Lộc) - dì ruột của bé gái 13 tuổi cũng đã bị bị đình chỉ công tác do nhờ vả để cháu bé được tiêm vaccine.

Giấy xác nhận bé gái 13 tuổi đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19

Giấy xác nhận bé gái 13 tuổi đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19

Đáng buồn, sự việc trên không phải hiếm gặp. Trước đó vài ngày, cũng tại TP Cần Thơ, một cô gái ở quận Ninh Kiều đã lên mạng xã hội khoe được tiêm 2 mũi vắc xin Pfizer nhờ "xin ông anh". Sau đó, người này được xác định là một phó chủ tịch phường nhưng không phải người thân cô gái.

Sau khi xác minh, cán bộ phường cũng thừa nhận đã đưa người ngoài, không thuộc diện là người trong gia đình được ưu tiên vào danh sách tiêm vắc xin Covid-19. Việc tiêm cho cô gái này là là sai đối tượng và cán bộ liên quan sẽ bị xử lý.

Về chế tài xử lý đối với hành vi trên, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, thời gian qua việc tiêm vaccine phòng Covid-19 sai đối tượng đã diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến chính sách tiêm chủng và công tác phòng chống dịch mà còn có thể gây hại cho sức khỏe của người được tiêm nếu ở trong độ tuổi chưa được phép tiêm, tác động xấu đến dư luận xã hội, khiến nhiều người dân bức xúc..

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cá nhân vi phạm cần bị xử lý nghiêm. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, đối tượng bi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, người vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các văn bản pháp luật liên quan. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hoặc “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Điều 356 BLHS 2015 nêu rõ, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10-dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội có tổ chức; 2 lần trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10-15 năm.

Cán bộ công chức vi phạm còn bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ công chức và viên chức sửa đổi, với một trong các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, cho thôi việc – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.