Từ vụ PVcombank từ chối bảo lãnh cho cư dân dự án Tokyo Tower: Quyền lợi của người mua nhà có được đảm bảo?

ANTD.VN - Dù dự án Tokyo Tower được PVcombank bảo lãnh để bán nhà hình thành trong tương lai nhưng khi chủ đầu tư mất khả năng tài chính, cư dân mua nhà dự án này lại nhận được cái “lắc đầu” của ngân hàng.

Được cam kết bảo lãnh nhưng bị ngân hàng từ chối

Đây là sự việc đang gây bức xúc đối với nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Tokyo Tower. Theo đó, dự án Tokyo Tower (tên cũ là Hanoi Land Mark 51) được khởi công từ tháng 4/2015 với 51 tầng, 688 căn hộ trên diện tích khu đất 4.557,3 m2.

Dự án này được mệnh danh là tòa nhà cao nhất quận Hà Đông, cao thứ ba trên địa bàn Hà Nội, do Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Đà 101 làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Vương là đơn vị phân phối dự án, còn Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) là đơn vị bảo lãnh.

Khi ký hợp đồng mua nhà, cư dân đã nhận được Thư cam kết phát hành bảo lãnh số 11271/PVB-K.KHDN vào ngày 23/10/2015 từ Pvcombank về việc cam kết phát hành bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai với dự án Tokyo Tower.

Tuy nhiên, khi không được nhận nhà đúng hẹn, dù cư dân liên tục kiến nghị nhưng dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Vì vậy, nhiều cư dân chấm dứt hợp đồng mua bán và yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả số tiền đã bỏ ra mua nhà và khoản tiền phạt hợp đồng bằng 10% giá trị căn hộ.

Tuy nhiên, do chủ đầu tư mất khả năng tài chính, cư dân đã đề nghị PVcombank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Thế nhưng, phía PVcombank đã từ chối bảo lãnh với lý do thời hạn bảo lãnh theo Thư bảo lãnh được Ngân hàng phát hành vào ngày 29/12/2015 đã hết.

“Trên thực tế, khi ký hợp đồng, chúng tôi chỉ nhận được Thư cam kết bảo lãnh của ngân hàng chứ không hề nhận được Thư bảo lãnh và chưa từng được nghe nói về việc thời hạn bảo lãnh đã hết” – một cư dân mua nhà dự án này cho hay.

Quyền lợi của người mua nhà có được đảm bảo?

Trả lời cư dân trong buổi làm việc chiều 8-10, đại diện PVcombank cho biết, theo quy định tại thời điểm 2015 thì chủ đầu tư phải cung cấp thư bảo lãnh cho cư dân, nhưng phía Sông Đà 101 lại không cung cấp.

Với những người ký hợp đồng mua nhà khi thông tư mới về bảo lãnh có hiệu lực, thì theo quy định hợp đồng khung sẽ phải được ký lại để bổ sung các điều khoản, tuy nhiên chủ đầu tư cũng không ký.

Người dân mua nhà không hề được nhận Thư bảo lãnh khi mua nhà tại dự án Tokyo Tower

“Theo hợp đồng đã cung cấp giữa hai bên thì đến nay bảo lãnh đã hết hiệu lực. Bên Sông Đà 101 đã không có phản hồi gì” – đại diện PVcombank cho hay.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, một luật sư (dấu tên vì lý do cá nhân) cho hay, việc PVcombank thoái thác trách nhiệm bảo lãnh đối với khách hàng trong trường hợp này là khó chấp nhận.

Theo vị luật sư, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai thì phải có bảo lãnh của ngân hàng.

Nếu trường hợp chủ đầu tư không bàn giao được nhà đúng thời hạn thì ngân hàng phải có trách nhiệm trong việc thanh toán lại cho người mua nhà nếu người mua nhà muốn rút tiền, hoặc phải đảm bảo dự án tiếp tục được thực hiện.

Trong trường hợp này, dự án đã được bảo lãnh ngân hàng, nhưng chủ đầu tư chỉ cung cấp Thư cam kết bảo lãnh mà không cung cấp Thư bảo lãnh, dẫn đến quá thời hạn và ngân hàng từ chối việc bảo lãnh.

“Lý do đó không hợp lý. Vì người mua nhà đâu có đủ kiến thức pháp lý để hiểu được quy định như vậy. Trong khi ngân hàng là một định chế tài chính nên phải có trách nhiệm đảm bảo quy định của Luật được thực hiện, cũng là đảm bảo danh dự, uy tín của ngân hàng” – vị luật sư nói.

Cũng theo luật sư này, trên thực tế thì đúng là khi thời hạn bảo lãnh hết hiệu lực, chủ đầu tư sẽ phải ký lại bảo lãnh.

“Nhưng trong trường hợp này, PVcombank đã nhận thế chấp dự án này rồi thì phải quy định rõ thời hạn và phải dự liệu được rủi ro là chủ đầu tư không hoàn thành được. Lúc đó, trách nhiệm của ngân hàng là phải đứng ra làm việc với khách hàng chứ không phải bảo hết thời hạn là “phủi” trách nhiệm với người mua” - vị luật sư nói.