Từ vụ “mỳ tôm Hảo Hảo chứa chất cấm”: Dùng chất cấm sản xuất thực phẩm có thể bị phạt tù tới 20 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông tin “mỳ tôm Hảo Hảo chứa chất cấm” đã gây xôn xao dư luận những ngày qua, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Nhiều người đặt câu hỏi: Chất cấm trong thực phẩm được quy định thế nào? Tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chứa chất cấm bị xử lý ra sao?

Chất cấm trong thực phẩm được hiểu là các hoá chất, chất kháng sinh... gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người, bị cấm sử dụng trong quá trình sản xuất thực phẩm. Điều 3 Thông tư 10/2021/TT-BYT có hiệu lực từ 1-9 đã quy định chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, như: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, cấm sản xuất (Acetic anhydride, Acetone…); Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội (Alphacetylmethadol, Acetorphine…); Danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc thực vật và động vật (Cà độc dược, Cam thảo dây, Bọ hung, Ngô công...).

Ngoài các danh mục chất cấm, theo khoản 1 Điều 10 của Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010 còn quy định điều kiện chung về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như phải áp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Bên cạnh đó, tùy từng loại thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; về bao gói và ghi nhãn thực phẩm; về bảo quản thực phẩm.

Mì tôm Hảo Hảo và 1 sản phẩm khác của Acecook đã bị thu hồi ở Ireland

Mì tôm Hảo Hảo và 1 sản phẩm khác của Acecook đã bị thu hồi ở Ireland

Về chế tài xử lý hành vi kinh doanh thực phẩm chứa chất cấm, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, tổ chức cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt vi phạm hành chính, theo Điều 6 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, hành vi sử dụng chất cấm trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm có thể bị phạt tiền lên tới 500 - 700 triệu đồng.

Cũng theo Luật sư Thu, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Điều 317 BLHS 2015 quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm:

Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm…

Trường hợp phạm tội có tổ chức; Làm chết người; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21-100 người; Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên…thì bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm.

Phạm tội làm chết 2 người; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101-200 người; Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122-200%... thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên… thì bị phạt tù từ 12-20 năm.