Từ vụ lộ clip nóng khi sửa điện thoại, bị tống tiền: Bảo vệ dữ liệu cá nhân thế nào?

ANTD.VN - Sau khi Báo ANTĐ đăng tải sự việc cô gái trẻ ở Hà Nội mang điện thoại đi sửa, và bị kỹ thuật viên lấy trộm clip nóng riêng tư, rồi tống tiền, nhiều người đã tỏ ra lo ngại cho sự an toàn của dữ liệu cá nhân. Để giúp mọi người bảo vệ những "tài sản số" quan trọng này, PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với chuyên gia an ninh mạng và ghi nhận những lời khuyên bổ ích.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, vào ngày 10-1-2019, các trinh sát của Công an Thành phố Hà Nội đã đưa đối tượng tống tiền cô gái trẻ về trụ sở để làm rõ. Trước đó, đối tượng này là kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại, và đã lấy trộm các clip “nóng” của nạn nhân để đe dọa, tống tiền trót lọt nhiều lần.

Từ vụ lộ clip nóng khi sửa điện thoại, bị tống tiền: Bảo vệ dữ liệu cá nhân thế nào? ảnh 1Đối tượng lấy trộm clip nóng của cô gái trẻ để tống tiền đã bị bắt giữ

Vụ án nói trên là lời cảnh báo rõ ràng cho nguy cơ để lộ, lọt dữ liệu cá nhân và dẫn tới những hậu quả khôn lường. Để tránh trường hợp tương tự xảy ra, PV Báo ANTĐ đã trao đổi với chuyên gia Nguyễn Hữu Cường - Trưởng phòng Dịch vụ An ninh mạng của Công ty Bkav - để có những lời khuyên hữu ích gửi tới độc giả.

"Về bản chất, khi chúng ta đưa một thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, laptop… cùng mật khẩu thiết bị cho người khác (cụ thể ở đây có thể là kỹ thuật viên sửa chữa) thì người đó có toàn quyền sử dụng thiết bị của chúng ta. Ngoài việc sửa chữa thì họ có thể sao lưu, lấy cắp dữ liệu... Vì vậy, tôi đưa ra một lời khuyên là các bạn phải lựa chọn địa chỉ dịch vụ sửa chữa uy tín, có cam kết đảm bảo. Nếu không may xảy ra sự cố rò rỉ dữ liệu cá nhân, chúng ta sẽ dễ dò ra đầu mối nguyên nhân hơn", chuyên gia Nguyễn Hữu Cường chia sẻ.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Cường - Trưởng phòng Dịch vụ An ninh mạng của Công ty Bkav

Vị chuyên gia an ninh mạng trên cho biết, trong trường hợp người dùng có ý định bán lại thiết bị điện tử cá nhân (điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính...), thì thao tác không thể bỏ qua là "format factory" - cài đặt lại thiết bị di động về cấu hình gốc để xóa sạch dữ liệu. Đối với thiết bị lưu trữ là thẻ nhớ, ổ cứng thì cũng cần format hoàn toàn.

"Nếu thiết bị lưu trữ có quá nhiều dữ liệu cá nhân nhạy cảm thì tốt nhất chúng ta giữ lại, như có thể bán điện thoại, máy tính... nhưng giữ lại thẻ nhớ, ổ cứng", chuyên gia Nguyễn Hữu Cường khuyên.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia an ninh mạng, có nhiều phần mềm cho phép khôi phục lại dữ liệu trên thiết bị nhớ, kể cả khi đã được format hoặc xóa hoàn toàn, bởi về bản chất, dữ liệu xoá đi mà chưa bị ghi đè thì vẫn có thể khôi phục lại được.

"Có nhiều phần mềm hỗ trợ người dùng xóa dữ liệu an toàn, đảm bảo không thể khôi phục lại được, bằng thuật toán xóa và ghi đè vài lần. Muốn dùng những phần mềm như vậy, mọi người cần tìm hiểu thêm để có kiến thức cơ bản về công nghệ. Và tất nhiên, kiểu xóa an toàn đó cần nhiều thời gian hơn so với xóa dữ liệu thông thường", Trưởng phòng Dịch vụ An ninh mạng của Công ty Bkav cho biết.

Khi bị rò rỉ dữ liệu cá nhân nhạy cảm, người trong cuộc cần bình tĩnh và lựa chọn phương án xử lý phù hợp

Đối với những dữ liệu cá nhân được lưu trên máy chủ trực tuyến (Facebook, email, iCloud, Google Drive...), chuyên gia Nguyễn Hữu Cường khẳng định hàng rào mật khẩu mạnh là cách đơn giản và hiệu quả nhất để người dùng tự bảo vệ mình.

Trong đó, người dùng không nên đặt những mật khẩu đơn giản, hoặc lấy ngày sinh làm mật khẩu. Cùng với đó, người dùng nên rèn thói quen thay đổi mật khẩu định kỳ. Với những tài khoản thông thường như mạng xã hội, email thì định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm cần đổi một lần. Với những tài khoản quan trọng như tài khoản ngân hàng, ATM thì chỉ 3 đến 6 tháng cần đổi một lần.

Bên cạnh đó, người dùng cũng nên thiết lập đăng nhập với bảo mật 2 lớp, trong đó, mỗi lần đăng nhập phải cần thêm mã OTP gửi về điện thoại, để tăng khả năng kiểm soát an toàn cho tài khoản trực tuyến.

"Hiện nay, các dịch vụ như iCloud, Google Drive... có thể thường xuyên tự động đẩy dữ liệu từ thiết bị lên máy chủ trực tuyến, qua tính năng đồng bộ hóa. Vì vậy, khi chúng ta chụp ảnh hoặc quay video nhạy cảm, thì khả năng bị rò rỉ là hoàn toàn có thể. Chúng tôi có một lời khuyên nhỏ là, chuyện gì không muốn người khác biết thì đừng nên làm, như chụp ảnh hay quay clip nhạy cảm. Trường hợp dữ liệu nhạy cảm bị phát tán trên mạng, thì các bạn cần liên hệ với quản trị viên của những website, dịch vụ đó để nhờ hạ thông tin xuống, và sau đó báo với cơ quan chức năng để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả", chuyên gia Nguyễn Hữu Cường cho hay.