Từ vụ “giang hồ mạng” Phú Lê được phóng thích: Vụ án được đình chỉ khi nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, do Đào “Chile” rút đơn yêu cầu khởi tố nên cơ quan chức năng đã đình chỉ vụ án cố ý gây thương tích. Theo đó, “giang hồ mạng” Phú Lê đã được trả tự do.

Được biết, dự kiến ngày 15/12, Lê Văn Phú (tức Phú Lê) cùng hai đàn em Hoàng Văn Thụy (25 tuổi) và Trần Văn Tư (32 tuổi) sẽ bị đưa ra xét xử về tội Cố ý gây thương tích, theo khoản 1 điều 134 BLHS 2015. Song do bị hại trong vụ án bất ngờ rút đơn nên TAND huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ xét xử, đình chỉ vụ án và làm các thủ tục trả tự do cho ba bị can.

Liên quan đến các trường hợp đình chỉ vụ án, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, Điều 134 BLHS 2015 về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm, có tổ chức, có tính chất côn đồ…thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Vụ án cố ý gây thương tích liên quan đến Lê Văn Phú (tức Phú Lê) đã bị đình chỉ

Vụ án cố ý gây thương tích liên quan đến Lê Văn Phú (tức Phú Lê) đã bị đình chỉ

Song theo Điều 155 Bộ luật TTHS 2015 về khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

"Căn cứ những quy định trên, nếu cá nhân đã bị khởi tố và truy tố theo Khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 nhưng bị hại đã tự nguyện rút đơn thì bị can sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho người bị hại" - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, với những trường hợp đã gây thương tích trên 30% sẽ không thuộc trường hợp chỉ truy tố theo yêu cầu của người bị hại. Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền khởi tố, truy tố đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Khi đó, việc người bị hai rút đơn chỉ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không được coi là căn cứ để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.