Từ vụ ‘đại gia’ Lã Quang Bình: Hối lộ bằng cổ phiếu có thể bị phạt tù tới 20 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
ANTD.VN - Sau khi ‘đại gia’ Lã Quang Bình bị đề nghị truy tố về hành vi đưa hối lộ, nhiều người đặt câu hỏi, cổ phiếu có được coi là tài sản và đưa hối hộ bằng cổ phiếu bị xử lý ra sao?

Như ANTĐ đã đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ban hành Kết luận điều tra bổ sung vụ án đưa, nhận hối lộ xảy ra tại một chi nhánh ngân hàng ở Đống Đa, Hà Nội.

Căn cứ kết quả điều tra và kết quả điều tra bổ sung, Cơ quan ANĐT đề nghị truy tố 16 bị can. Trong đó, ‘đại gia’ Lã Quang Bình và em gái là Lã Thị Phương Liên bị đề nghị truy tố 2 tội: Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Đưa hối lộ.

Theo cáo buộc, Lã Quang Bình đã cùng em gái đưa hối lộ cho bị can Đào Hoàng Thắng (cựu Giám đốc chi nhánh ngân hàng) 200.000 cổ phiếu EIN của Công ty cổ phần đầu tư Thương mại dịch vụ điện lực (tương đương 2 tỉ đồng) để giải quyết cho Công ty Thịnh Phát không bị chuyển nợ xấu và tiếp tục được giải ngân vốn vay.

'Đại gia' Lã Quang Bình bị đề nghị truy tố về hành vi đưa hối lộ
'Đại gia' Lã Quang Bình bị đề nghị truy tố về hành vi đưa hối lộ

Dới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, về hành vi đưa hối lộ, Điều 364 BLHS 2015 quy định, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào về tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2- dưới 100 triệu đồng hoăc lợi ích phi vật chất để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Về của hối lộ bằng cổ phiếu, theo Khoản 2 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

Khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng nêu rõ, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.

Cổ phiếu là một loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu cổ phần của tổ chức phát hành. Mà chứng khoán là một loại tài sản bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… Như vậy, cổ phiếu cũng là một loại tài sản – luật sư Lê Hồng Vân nhận định.

Cổ phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Người nắm giữ cổ phiếu sẽ trở thành cổ đông của công ty cổ phần đó.

Mặt khác, theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Trong khi đó, theo Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các loại giấy tờ có giá gồm có cả loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác.

Từ các quy định trên có thể khẳng định, cổ phiếu là tài sản và được xem là một loại giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật. Đối tượng thực hiện hành vi đưa hối lộ bằng cổ phiếu có thể bị phạt tù tới 20 năm – luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.