Từ vụ "Đại ca giang hồ" mới ra tù lái xe gây tai nạn: Nhận tội thay bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, tại đường Nguyễn Tri Phương, TP.Dĩ An, Bình Dương xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Người điều khiển xe ô tô đã tông chết 2 người song lại gọi đàn em ra nhận tội thay khiến dư luận bất bình.

Chiều 8/10, Nguyễn Trọng Mười (còn gọi là Mười Thu, 42 tuổi, quê Nghệ An) điều khiển ôtô trên đường Nguyễn Tri Phương đã đâm vào 2 xe máy chạy cùng chiều phía trước. Vụ tai nạn khiến anh T.Đ.T (18 tuổi, quê Quảng Trị) và T.N.A (27 tuổi, quê Nghệ An) tử vong tại chỗ.

Sau khi gây tai nạn, Mười Thu rời khỏi hiện trường và gọi điện cho đàn em ra trình diện nhận tội thay. Kết quả xác minh của công an cho thấy, Mười Thu mới chính là người gây tai nạn. Do vậy, ngày 29/10, CATP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Hiện trường vụ tai nạn

Hiện trường vụ tai nạn

Được biết, năm 2015, Mười Thu đã bị TAND TP.Dĩ An tuyên phạt 9 năm 6 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản.

Việc nhận tội thay không phải hiếm gặp. Cách đây không lâu, tại Nghệ An cũng xảy ra vụ tương tự. Nguyễn Doãn Khải, ở xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên cùng Nguyễn Tú Hùng ở cùng địa phương khi đi xem tập văn nghệ đã xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, Khải quay về nhà lấy dao rồi cùng anh trai là Nguyễn Doãn Lan đi tìm Hùng để "giải quyết". Khải rút dao đâm một nhát vào cổ khiến Hùng gục xuống và tử vong. Sau đó, Lan đã đến cơ quan công an đầu thú, nhận tội thay cho Khải và bị khởi tố về hành vi “giết người”.

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định Lan không phải là hung thủ mà là Khải, em trai Lan.

Việc “nhận tội thay” khiến công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc trở nên rất phức tạp. Hành vi này không chỉ “làm khó” cho hoạt động tố tụng, đánh lừa cơ quan chức năng mà còn tăng nguy cơ bỏ lọt tội phạm nên cần bị xử lý nghiêm theo quy định – Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Theo BLHS 2015, hành vi nhận tội thay người khác là vi phạm pháp luật và đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý về một trong 3 tội: Tội che giấu tội phạm (Điều 389) hoặc tội không tố giác tội phạm (Điều 390) hoặc Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối (Điều 382).

Với Tội che giấu tội phạm, người phạm tội là bất kỳ ai không hứa hẹn mà che giấu tội phạm thuộc các điều tại BLHS thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng- 5 năm. Trừ trường hợp người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định (trừ khi che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác).

Về Tội không tố giác tội phạm, người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, 3 Điều 19 thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối áp dụng đối với người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa trong việc kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-1 năm.