Từ vụ cướp giật túi xách gây tử vong: Làm sao để không trở thành "mồi ngon" cho tội phạm

ANTD.VN - Mới đây một vụ cướp giật túi xách gây tử vong đã xảy trên cầu Thủ Thiêm, TP. HCM. Hậu quả nghiêm trọng của vụ việc là lời cảnh báo đến người dân về tính cấp thiết của việc trang bị cho mình những kiến thức hữu ích nhằm phòng ngừa nguy cơ bị cướp giật túi xách, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Clip: Một vụ cướp giật táo tợn tại thành phố Đà Nẵng. Nguồn VTC1

Tối 25-10, chị Nguyễn Hồng Trúc V. (25 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cùng người bạn tên D. chạy xe máy trên cầu Thủ Thiêm (hướng quận 2 sang quận 1). Khi đang xổ dốc cầu thì bị hai thanh niên chạy xe máy cùng chiều từ phía sau lao đến áp sát, giật giỏ xách.

Cú giật mạnh khiến hai cô gái ngã đập đầu xuống mặt cầu bất tỉnh. Người dân phát hiện và đưa cả hai nạn nhân vào Bệnh viện Nhân dân 115 (quận 10) cấp cứu. Do chấn thương sọ não quá nặng, D. đã tử vong; V. gãy xương hàm, trật khớp tay và đa chấn thương.

Bí kíp' để tránh bị cướp giật túi xách.

Đến ngày 28-10, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết đang tạm giữ Trần Thanh T.(15 tuổi) và Ngô Hoàng A. (18 tuổi) về hành vi Cướp giật tài sản.

Với mức độ nguy hiểm của những vụ việc cướp giật kiểu này, người dân cần nắm được một số bí kíp phòng thân sau đây.

Kích thước túi xách, nhỏ gọn là tối ưu nhất

Một túi xách lớn đồng nghĩa với việc có nhiều đồ vật giá trị bên trong và thường là mục tiêu cướp giật. Do vậy, hãy cân nhắc lựa chọn túi xách phù hợp và bỏ bớt những đồ vật không cần thiết. Có một nguyên tắc: “Túi xách càng nhỏ, rủi ro càng nhỏ”.

Túi xách nhỏ gọn sẽ giúp bớt những vật không cần thiết, tránh bị kẻ cướp chú ý

Chỉ mang những vật dụng cần thiết

Khi bị giật túi xách, nạn nhân thường không thể nhớ được trong túi có những đồ vật gì đã bị mất. Liệu bạn có thể nhớ hết các thứ có trong giỏ xách của bạn không?

Nên hạn chế tối đa việc mang theo giấy tờ quan trọng trong túi xách. Đối với người nước ngoài, nếu có thể hãy photocopy hộ chiếu và để hộ chiếu ở nhà hoặc khách sạn.

Sẵn sàng để của đi thay người

Tính mạng và sự an toàn của bạn là quan trọng nhất. Mặc dù kẻ giật túi thường không có ý định làm tổn thương người bị nạn, nhưng bọn chúng cũng không thể kiểm soát hành vi trong trường hợp nếu bị bạn bất ngờ tấn công để giành lại túi xách.

Đặc biệt, nếu đang đi xe gắn máy thì việc cố gắng giành lại túi xách bị giật có thể làm bạn té ngã và bị tai nạn. Đừng cố gắng thực hiện điều này vì nó thực sự nguy hiểm trong mọi trường hợp.

Khi đang đi xe máy, nên tránh giành lại túi vì có thể bị té ngã và gặp tại nạn

Túi xách càng giá trị thì càng là đối tượng kẻ cướp nhắm tới

Sẽ rất khác nhau nếu bạn mang một túi xách trị giá 350.000 đồng hoặc túi trị giá 3 triệu đồng. Ngoài giá trị của chiếc túi, kẻ giật túi thường quan tâm đến tiền mặt, điện thoại di động, máy tính bảng, máy chụp hình, laptop hoặc các loại thẻ tín dụng... trong túi. Lẽ dĩ nhiên, túi càng giá trị thì đồ vật trong túi cũng hẳn là đồ có giá trị cao.

Nếu bạn mang túi đắt tiền hoặc sang trọng, rất có thể sẽ trở thành đối tượng của những kẻ giật túi.

Cất túi xách vào cốp xe

Khi lưu thông trên đường bằng xe máy, rất nhiều chị em phụ nữ mắc lỗi chung: vừa điều khiển xe mà vừa đeo túi xách phía bên hông. Có người sử dụng túi đeo dây dài thì lại để phía sau lưng, nằm hờ hững trên yên xe.

Đây chính là cách tạo điều kiện cực kì lí tưởng cho các vụ cướp túi xách. Bạn có thể bị giật kéo ngã khỏi xe, hoặc bị cắt dây quai mà chẳng hề hay biết. Rất nhiều phụ nữ đã bị cướp theo kiểu thế này, hậu quả là trầy trụa, gãy tay, và nhiều tình huống rất nguy hiểm khác.

Để phòng tránh bị giật túi xách khi đang đi xe, tốt nhất nên cất vào cốp xe, hoặc không thì quấn chặt quai nhiều vòng vào cổ xe và lấy áo khoác đậy lại. Bạn không nên đeo trên vai dù là đeo xéo vai, vì rất dễ bị cắt hoặc khi bị giật nạn nhân sẽ bị kéo lê trên đường.

Cất túi vào cốp xe thay vì khoác vào vai sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ bị cướp

Cố định và ngụy trang đồ đạc

Trong trường hợp xe của bạn có chiếc cốp quá nhỏ, hoặc bạn mang theo những chiếc ba lô lớn, không thể bỏ vào cốp xe, bạn hãy tìm cách ngụy trang để không gây sự chú ý của bọn cướp.

Lưu ý đầu tiên là không nên để ba lô, túi xách trước giỏ xe, như thế chẳng khác nào mời gọi bọn cướp đến lấy. Muốn giật ba lô thì cướp sẽ phải nắm vào quai. Do đó ta tìm cách giấu quai đi. Để lưng ba lô hướng về phía trước, đồng thời giấu quai mang vào khuất bên trong. Còn quai phía trên nên đậy lại bằng một chiếc áo mưa đã xếp vuông vức. Hai chân chặn hai bên. Ngoài ra, khi dừng đèn đỏ ở ngã tư đường, nên quan sát hai bên trước khi bỏ chân xuống. Bên nào có đối tượng ít tình nghi hơn - cặp vợ chồng lớn tuổi, xe có trẻ em… - thì chống chân phía bên ấy. Chân bên còn lại chắn giữ ba lô.

Ba lô, túi xách nếu bắt buộc phải để bên ngoài thì nên mắc quai cố định ở móc khóa. Đối với bạn nào ngồi phía sau được người khác chở thì phải ôm chặt chiếc túi của mình ở giữa, cũng không nên đeo ở bên hông.

Đang lái xe, đừng nghe điện thoại

Nghe điện thoại, xem tin nhắn khi đang điều khiển xe máy cũng hết sức nguy hiểm. Đây chính là tật cố hữu của nhiều người. Đây không chỉ là hành vi vi phạm luật giao thông mà còn làm mồi ngon cho cướp giật. Vì thế, không nên nghe điện thoại ngoài đường.

Nếu chuyện khẩn cấp phải trả lời điện thoại thì nên ghé sát xe vào lề chỗ có cột điện hay gốc cây làm chướng ngại vật. Điện thoại hướng vào phía bên trong, cả bàn tay ôm gọn điện thoại không để chìa ra, mắt quan sát cảnh giác xung quanh. Thấy kẻ tình nghi lập tức dừng điện thoại ôm vào ngực hoặc bỏ vào túi áo túi quần ngay, có gì xin lỗi phía bên người đối thoại sau vì đã gián đoạn.

Vừa nghe điện thoại, vừa lái xe máy sẽ khiến bạn thành mồi ngon của kẻ cướp

Đừng đi đường quá vắng người

Khi lưu thông trên đường, bạn nên đi với nhiều người, hạn chế đi một mình, nhất là ở những đoạn đường vắng, thiếu ánh sáng hoặc đi vào những nơi mà bạn chưa quen đường, hạn chế việc đi sớm về khuya ở những đoạn đường không an toàn.

Nếu có hai đường, hãy chọn đường đông đúc, thay vì đường vắng. Cho dù đường có đông hơn, xa hơn nhưng chắc chắn nguy cơ xảy ra cướp giật sẽ ít hơn.

Bạn hãy tìm hiểu rõ nơi bạn đến trước khi tham gia lưu thông. Tránh những con đường mà bạn đã nghe thấy hoặc qua thông tin báo, đài là thường xuyên có cướp giật. Nếu có hỏi thăm đường nên hỏi ở các chốt giao thông, các chiến sĩ công an sẽ chỉ đường cho bạn.

Hãy quan sát kỹ

Cuối cùng, hãy quan sát những người xung quanh khi bạn đang ở nơi công cộng hoặc trên đường đi. Những kẻ giật túi luôn bám theo bạn một thời gian trước khi chúng hành động. Nếu quan sát thấy ai đó đi theo bạn trong một khoảng thời gian, hãy cho người đó biết rằng bạn đã nhận thức được rủi ro này bằng cách nhìn chúng, ngừng lại và đi vào một cửa hiệu tạp hóa hay đến gần cảnh sát giao thông.