Từ vụ chồng Hàn Quốc đánh vợ Việt gãy xương sườn: Làm sao để thoát thân khi bị bạo hành?

ANTD.VN -Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin một cô dâu Việt đã bị người chồng Hàn Quốc đánh đập, hành hạ trong 3 tiếng liền dẫn đến gãy xương sườn cùng nhiều thương tích nghiêm trọng.

Những vụ việc đau lòng

Theo thông tin ban đầu, vụ bạo hành diễn ra vào khoảng 21h ngày 4/7. Nghi phạm trong tình trạng say rượu đã đánh đập vợ mình suốt 3 tiếng đồng hồ, thậm chí còn đập cả chai rượu soju vào người nạn nhân, ngay trước mặt đứa con 2 tuổi của hai vợ chồng. Nạn nhân là người Việt Nam, 30 tuổi không nói sõi tiếng Hàn, nhập cư Hàn Quốc theo diện kết hôn. Trong đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội Hàn Quốc, đứa trẻ liên tục gào khóc gọi mẹ, sau đó bỏ chạy khỏi phòng.

Hiện Cảnh sát tại Yeongam, tỉnh Jeolla Nam đã quyết định tạm giam 8 ngày đối với nghi phạm đánh đập tàn nhẫn cô dâu Việt để phục vụ điều tra. Còn người vợ bị bạo hành và đứa con 2 tuổi đang được chăm sóc bởi cơ quan bảo vệ quyền lợi phụ nữ nhập cư ở Hàn Quốc.

Hình ảnh người chồng Hàn Quốc bạo hành vợ Việt được cắt từ clip

Đáng buồn, sự việc trên không phải hy hữu. Năm 2014, một cô dâu người Việt sinh sống tại quận Hongchon thuộc tỉnh Kangwon (phía Đông Bắc thủ đô Seoul) cũng đã bị người chồng Hàn Quốc sát hại. Sau đó, người đàn ông này đã uống thuốc độc tự vẫn để lại đứa con 5 tháng tuổi.

Trước đó, vào năm 2010, dư luận Hàn Quốc dậy sóng khi cô dâu Việt bị chồng sát hại chỉ 8 ngày sau khi đặt chân đến Busan. Dù chú rể 47 tuổi có tiền sử mắc bệnh tâm thần song không ai trong gia đình nạn nhân hay người môi giới biết được điều này.

Theo một báo cáo của Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc, hơn 73% số phụ nữ nước ngoài làm dâu tại Hàn Quốc trong thời gian từ 2014-2016 là người Việt Nam. Khoảng 40.000 phụ nữ Việt Nam đang làm dâu tại Hàn Quốc và có tới 20% các cặp vợ chồng Việt - Hàn đã ly hôn. Nguyên nhân  chính dẫn tới mâu thuẫn trong gia đình là do bất đồng ngôn ngữ giữa hai bên.

Thực tế đã có không ít trường hợp cô dâu ngoại quốc tại Hàn Quốc phải chịu đựng sự hành hạ cả về tinh thần lẫn thể xác, xúc phạm nhân phẩm, đánh đập, tấn công tình dục ngay trong nhà mình, thậm chí bị sát hại hết sức dã man.

Phải làm gì khi bị bạo hành?

Trước tình trạng cô dâu ngoại quốc bị nhà chồng và chồng bạo hành, các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã có thông báo, hướng dẫn cách phòng chống bạo hành cho những cô dâu này như hướng dẫn họ chạy đến các nhà thờ gần nhất nhờ trợ giúp, đăng công khai trên mạng số điện thoại của cảnh sát, các cơ quan chức năng khác.

Tuy vậy, không ít cô dâu Việt không thông thạo tiếng Hàn nên gặp nhiều khó khăn khi trình báo tới nhà chức trách. Có trường hợp dù báo được nhưng do thiếu chứng cứ nên sự việc cũng nhanh chóng chìm xuồng. Đa số những cô dâu còn lại thì bỏ trốn hoặc im lặng cam chịu sống đời sống địa ngục.

Điều đáng nói là hầu hết cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc đều thông qua mai mối có thu phí. Không ít trường hợp hai bên chỉ cần gặp nhau 1, 2 lần, mỗi lần vài ngày, dù ngôn ngữ thì bất đồng nhưng vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Thậm chí có trường hợp nếu chú rể có điều kiện kinh tế eo hẹp hoặc bận công việc không cần qua Việt Nam gặp mặt cô dâu nhưng vẫn có thể tiến hành làm thủ tục và nhận giấy chứng nhận kết hôn tại Hàn Quốc với cô dâu Việt. Quy định thiếu chặt chẽ này làm phát sinh nhiều hệ lụy xã hội.

Sau những vụ việc cô dâu Việt bị bạo hành khi lấy chồng ngoại, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, nếu gặp nguy hiểm, chị em hãy nhanh chóng tìm cách thoát khỏi nhà, đến nơi an toàn, lập tức gọi cho chính quyền hoặc liên lạc với trung tâm bạo hành gia đình tại nơi mình sống. Nếu không có phương tiện di chuyển, chị em hãy tìm nơi ẩn nấp quanh khu vực mình sinh sống.

Khi bị bạo hành mỗi cá nhân cần tránh làm sự việc thêm trầm trọng, đồng thời lên kế hoạch thích hợp để chấm dứt mối quan hệ ngay lập tức và trốn thoát. Tuy vậy, an toàn của bản thân cần đặt lên hàng đầu. Nếu có con, người vợ cũng cần lên kế hoạch an toàn cho trẻ…

Trong trường hợp chưa thể rời đi ngay, người vợ hãy lưu giữ hoặc thu thập chứng cứ về việc bạo hành, luôn mang bên mình một máy ghi âm nhỏ, một dụng cụ tự vệ như bình xịt mini. Khi đã đảm bảo được sự an toàn cho bản thân và con cái, điều quan trọng là phải trình báo với cơ quan có thẩm quyền và thực hiện bước kế tiếp để chấm dứt hành vi bạo lực như tìm luật sư đáng tin cậy để tiến hành khởi kiện đồng thời kiên quyết cắt đứt liên lạc với người bạo hành. 

“Điều quan trọng nhất khi bị bạo hành là đừng chịu đựng trong im lặng. Hãy tâm sự với bất cứ người nào bạn cảm thấy có thể tin cậy được. Bên cạnh đó, chị em cần quan sát và nhận biết một số dấu hiệu cho thấy bạo lực sắp xảy ra và tránh đi chỗ khác, đồng thời tìm cách phát tín hiệu “cấp cứu” để người khác để được hỗ trợ kịp thời, tránh tình trạng im lặng kéo dài để xảy ra hậu quả đáng tiếc” – Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú đưa ra lời khuyên.