Từ vụ bé gái sơ sinh bị bỏ rơi tại Cà Mau: Cha mẹ đẻ có quyền đòi lại con đã được nhận nuôi đúng quy định?

ANTD.VN -Những ngày qua, dư luận xôn xao trước sự việc một nữ lãnh đạo phường ở Cà Mau (bà H.N) sau khi nhận nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi bỗng dưng bị những người xưng là người nhà của bé quay lại đòi con.

Bỗng dưng bị đòi lại con nuôi

Theo thông tin ban đầu, sáng 1/1/2019, một bé gái sơ sinh, nặng 2,8 kg, được người dân phát hiện bị bỏ trong túi xách để trước cửa nhà một gia đình ở TP.Cà Mau. Chính quyền địa phương đã ra thông báo tìm cha mẹ đẻ đứa bé, song hết thời hạn theo quy định vẫn không ai đến nhận.

Sau đó, bà H.N đã làm thủ tục nhận bé làm con nuôi và đã được cơ quan chức năng chấp thuận. Gần 2 tháng sau, một người đàn ông đã gặp bà N, xưng là cha ruột đứa trẻ, xin nhận lại con nhưng bà N không đồng ý. 

Được biết đến thời điểm hiện tại, quan điểm của chính quyền địa phương đối với vụ việc trên là hòa giải, nếu một trong hai bên không đồng ý có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.

Không ít trẻ bị bỏ rơi đã được đưa đến các trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng (ảnh minh họa)

Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, từ trước đến nay, việc các gia đình nhận nuôi những cháu bé bị bỏ rơi hay có hoàn cảnh tương tự làm con nuôi là việc làm mang tính nhân đạo, được Nhà nước khuyến khích.

Về quy trình nhận nuôi con nuôi, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định, người nhận con nuôi phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt.

Nếu xét thấy người nhận con nuôi và người được nhận nuôi có đủ điều kiện theo quy định thì UBND cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi.

Còn theo Nghị định 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ, việc đăng ký nuôi con nuôi được tiến hành tại trụ sở UBND cấp xã. Trường hợp con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi mà phần khai về cha mẹ trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh đang lưu giữ tại UBND cấp xã còn để trống, thì căn cứ vào giấy chứng nhận nuôi con nuôi, công chức tư pháp – hộ tịch ghi bổ sung các thông tin của cha mẹ nuôi vào phần khai về cha mẹ trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh của con nuôi; tại cột ghi chú trong sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ là cha mẹ nuôi.

Cha mẹ đẻ có quyền đòi lại con khi đã được nhận nuôi?

Về việc đòi lại con sau khi đã làm thủ tục nhận con nuôi, theo Luật sư Lê Hồng Vân, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định, kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.

Như vậy, theo quy định trên, cha mẹ đẻ không có quyền đòi lại con nuôi sau khi hoàn tất thủ tục nhận nuôi, trừ trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi, con nuôi được giao cho cha mẹ đẻ theo các trường hợp trong Luật Nuôi con nuôi 2010. Nghĩa là, sau khi người nuôi nhận cháu bé theo đúng thủ tục trên thì từ thời điểm đó trở đi cha mẹ ruột không có quyền đòi lại con trừ khi người nuôi đồng ý.

Trong khi đó, Điều 25, Luật Nuôi con nuôi nêu rõ, người được xác nhận là cha mẹ nuôi chỉ có thể chấm dứt việc nhận nuôi con nuôi khi con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi; cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi...

Như vậy, đối với trường hợp trẻ bị bỏ rơi đã được nhận nuôi theo đúng quy định, dù người thân cháu bé đã kiện ra tòa thì cho dù kết quả xét nghiệm ADN cho thấy họ là cha hoặc mẹ đẻ của đứa trẻ thì người nhận nuôi vẫn có quyền nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật.