Từ vụ bắt cóc bé trai ở Bắc Ninh: Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi phải ngồi tù tới 15 năm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, liên quan đến vụ bắt cóc bé trai ở Bắc Ninh, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Thu, 32 tuổi, ở Cao Bằng về tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”.

Vụ bắt cóc cho thấy sự sơ sẩy, chủ quan của không ít bậc phụ huynh. Chỉ vì vài phút lơ là của người lớn, trẻ em phải đối diện với nhiều nguy cơ, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ.

Rất may, sau một ngày nỗ lực tìm kiếm, cháu bé bị bắt cóc ở Bắc Ninh đã được lực lượng công an tìm thấy tại Tuyên Quang.

Thực tế cho thấy, tình trạng bắt cóc trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng năm 2019, cả nước đã có trên 200 vụ buôn người, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Do đó, vụ việc trên như tiếng chuông cảnh tỉnh tới các phụ huynh hãy thường xuyên quan tâm, để mắt tới con em mình.

Phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo lời khai của đối tượng Nguyễn Thị Thu tại cơ quan công an, đầu năm 2019, Thu sinh con trai, sau đó cháu bé ốm và tử vong, nhưng Thu không nói cho chồng biết. Do muốn hàn gắn quan hệ nên Thu nảy sinh ý định bắt cóc một bé trai để nói dối là con của mình với chồng.

Nguyễn Thị Thu tại cơ quan công an

Nguyễn Thị Thu tại cơ quan công an

Dù với bất cứ lý do gì thì hành vi của Nguyễn Thị Thu đã có dấu hiệu cấu thành tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” theo Điều 153 BLHS 2015. Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; Đối với từ 2-5 người; Phạm tội 2 lần trở lên…thì bị phạt tù từ 5-10 năm.

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Đối với 6 người trở lên; Làm nạn nhân chết hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 10- 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Về cấu thành tội phạm, Luật sư Hồng Vân phân tích, tội phạm được thể hiện qua việc dùng các thủ đoạn như lén lút, lừa gạt, du dỗ trẻ em đưa trẻ em thoát khỏi sự quản lý, trông nom của cha mẹ hoặc người có trách nhiệm để đem bán, nuôi làm con nuôi hoặc để trả thù cha mẹ đứa trẻ.

Việc chiếm đoạt trẻ em có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trẻ em là người bị hại trong trường hợp này là người chưa đủ 16 tuổi.

Nếu hành vi chiếm đoạt trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 134 BLHS.

Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi nhằm vào việc mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Nếu hậu quả chiếm đoạt trẻ em chưa xảy ra thì được cọi là phạm tội chưa đạt.

Về khách thể, hành vi này xâm phạm đến quan hệ về quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ thực hiện hành vi mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt không phải là dấu hiệu cấu thành cơ bản mà chỉ có ý nghĩa trong việc định khung tăng nặng, lượng hình.