Từ vụ án tại CDC Hà Nội: Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng có thể phải ngồi tù tới 20 năm?

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan. Theo các luật sư, trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi của một số cá nhân phải bị xử lý nghiêm khắc. 

Gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên bị phạt tù tới 20 năm

Cùng ngày, cơ quan CSĐT đã ra Quyết định khởi tố bị can; Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Khoản 3, Điều 222 BLHS 2015 sửa đổi) đối với 7 đối tượng, trong đó có Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm CDC; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC; Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST)…

Các đối tượng trong vụ án vừa bị khởi tố

Về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Điều 222 BLHS 2015 quy định, người nào thực hiện một trong những hành vi sau gây thiệt hại từ 100- dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu…

Phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu là hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về hoạt động đấu thầu gây thiệt hại tài sản cho người khác.

Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cần bị lên án mạnh mẽ

Phân tích cấu thành tội phạm của tội này, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, uy tín, hình ảnh quốc gia.

Hành vi khách quan của tội phạm vi phạm các quy định về đấu thầu gồm: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của Nhà nước về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu…

Hậu quả, thiệt hại là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong 7 nhóm hành vi khách quan nêu trên mà còn vi phạm thì vẫn cấu thành tội phạm.

Thiệt hại ở đây không nhất thiết là thiệt hại về tài sản của Nhà nước, mà có thể là thiệt hại về tài sản của các nhà thầu, các cá nhân, tổ chức khác…Chủ thể của tội phạm vi phạm các quy định về đấu thầu là những người thực hiện các giai đoạn, công việc trong quá trình đấu thầu, là những người làm việc thuộc chủ đầu tư, bên mời thầu, bên dự thầu, tư vấn, giám sát…

Về mặt chủ quan, tội phạm vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, thời gian qua, trong khi Chính phủ và nhân dân căng mình phòng chống dịch Covid-19 thì việc một số cá nhân tại Trung tâm CDC Hà Nội lại lợi dụng dịch bệnh để trục lợi là điều không thể chấp nhận được, cần bị lên án mạnh mẽ.  

“Những đối tượng này đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng vị trí công tác để trục lợi trên nỗi lo của người dân, từ nguồn ngân sách hạn hẹp trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC và các bộ ngành liên quan, nhằm thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch bệnh, vụ việc trên có thể xét xử theo thủ tục rút gọn, áp dụng chế tài xử nghiêm khắc theo quy định của pháp luật để đảm bảo tính răn đe” – Luật sư Hồng Vân nhận định.