Tử vong nghi do thực phẩm, nguy cơ dị ứng và cách phòng ngừa

ANTD.VN - Dị ứng thực phẩm đang có xu hướng tăng lên trong bối cảnh chất lượng an toàn thực phẩm ngày càng khó được đảm bảo. Việc nắm vững kiến thức cơ bản về dấu hiệu và cách phòng sẽ giúp người dân tránh được những nguy cơ xấu nhất liên quan đến dị ứng thực phẩm.

Theo báo NLĐ, mới đây, sáng 16-9, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận 3 người trong cùng gia đình đến từ Nghệ An, gồm người bố Đ.N.V (SN 1989, người mẹ V.T.N.M (SN 1990) và con trai (SN 2014) trong tình trạng suy tuần hoàn hô hấp cấp, hôn mê sâu, suy đa cơ quan, tim mạch và có dấu hiệu đã ngưng thở. Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng nhưng vợ và con anh Đ.N.V đã tử vong.

Theo thông tin ban đầu, gia đình nạn nhân đi cùng một đoàn khách du lịch gồm 10 gia đình đến từ quận 4, TP HCM. Qua khám nghiệm hiện trường, trong phòng khách sạn mà vợ chồng anh V. lưu trú, cơ quan công an phát hiện một toa thuốc tây được mua vào sáng 16-9 tại một nhà thuốc ở quận Sơn Trà.

Cơ quan công an cũng cho biết toa thuốc kê 2 loại thuốc gồm: Motilium và Flagyl, các loại thuốc này dùng điều trị tiêu chảy. Cơ quan công an hiện chưa kết luận về nguyên nhân sự việc do chưa xác định được địa điểm hay quán ăn nào mà gia đình này sử dụng trước khi xảy ra sự việc.

Anh Đ.N.V đang được điều trị trong khoa Hồi sức cấp cứu

Mặc dù cơ quan chức năng vẫn chưa khẳng định nguyên nhân tử vong có phải do ngộ độc hay dị ứng thực phẩm hay không, song qua sự việc này hãy cùng tìm hiểu dị ứng thực phẩm là gì, nguy cơ, dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa.

Thế nào là dị ứng thực phẩm

Dị ứng thức ăn là một phản ứng dị thường của cơ thể đối với một hoặc nhiều loại thức ăn xuất hiện sau khi ăn. Triệu chứng dị ứng thức ăn thường phát triển trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn, ở những người có cơ địa nhạy cảm.

Triệu chứng dị ứng thực phẩm thường thường phát triển trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn

Đối với dị ứng thực phẩm, các phản ứng dị ứng (đặc biệt là sốc phản vệ) không phụ thuộc số lượng ăn vào nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể. Có người chỉ ăn một lượng rất nhỏ, thậm chí ăn một miếng cũng gây ra phản ứng dị ứng rất nặng.

Thậm chí, có những trường hợp khi nhỏ không bị dị ứng với tôm, cua hay động vật có vỏ khác nhưng khi lớn lên mới bị dị ứng. Đây cũng là một điều hoàn toàn bình thường khi phản ứng miễn dịch của cơ thể nhằm chống lại một số protein trong các loại thực phẩm.

Có những người bị dị ứng thực phẩm ngay từ lần đầu hoặc lần 2 ăn đã bị dị ứng. Nhưng có người trước đây ăn không sao, sau này ăn vào thì bị dị ứng. Đây gọi là nhóm dị ứng phát sinh.

Dị ứng thực phẩm ở người trưởng thành không tự hết khi họ già đi nhưng với trẻ em có em khi lớn lên lại dung nạp các thực phẩm vốn đã từng gây ra dị ứng khi còn nhỏ. Ngoài ra, trong điều kiện cơ thể đang bị viêm nhiễm, sốt hoặc mắc một bệnh lý nào khác nhưng không được phát hiện cũng tạo điều kiện nhạy cảm với thực phẩm và dễ dẫn đến phản ứng dị ứng.

Đặc biệt, đã có những trường hợp sau khi ăn một số thực phẩm, uống rượu bia rồi vận động mạnh dẫn đến tình trạng sốc phản vệ do vận động.

Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng và cách đề phòng

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây dị ứng thức ăn như: protein và các phân tử không thay đổi khi đi vào tuần hoàn. Hệ miễn dịch tại ruột và tính miễn dịch của niêm mạc ruột.

Một số chất gây tăng tính thấm của niêm mạc ruột như rượu, aspirin, nhiễm virut, ký sinh trùng, nấm. Sau khi ăn thức ăn gây dị ứng mà làm công việc gắng sức có thể dẫn đến sốc phản vệ.

Ở người lớn, thực phẩm dễ gây dị ứng là: cá (đặc biệt là cá biển như cá nóc chẳng hạn) và các loại hải sản như tôm, cua, sò, ốc, đậu phộng (lạc), quả óc chó (tương tự hạt dẻ), trứng.

Các loại hải sản nằm trong nhóm dễ gây dị ứng ở người lớn

Ở trẻ em, thường dị ứng với trứng, sữa (đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), đậu phộng, đậu nành (đỗ tương), lúa mì, quả óc chó...

Trẻ em thường dị ứng với trứng, sữa và đậu phộng

Có thể nói tất cả thực phẩm đều có thể gây dị ứng, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm (90% nguyên nhân). Dị ứng chéo xảy ra ở các thực phẩm có thành phần giống nhau.

Như sữa, nếu đã dị ứng với sữa bò thì cũng có thể dị ứng với sữa dê, cừu, trâu, thịt bò.

Nếu đã dị ứng với trứng gà thì cũng có thể dị ứng cả thịt gà, các loại bánh có sử dụng trứng...

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng: di truyền (nếu cha/mẹ bị dị ứng thì 20-30% con cũng có khả năng bị dị ứng, nếu cả cha cùng mẹ bị dị ứng thì tỉ lệ này đến 50-60%), một số điều kiện kết hợp như đang nhiễm siêu vi, tổn thương niêm mạc ruột...

Di truyền cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng

Triệu chứng cảnh báo

Dị ứng thực phẩm biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau sau khi ăn. Đầu tiên là các biểu hiện đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn….Tiếp đó là các biểu hiện ngoài da như đỏ da, mẩn ngứa, nổi mề đay (chiếm tới hơn 70% trong các nghiên cứu của bác sĩ).

Trường hợp nặng, mề đay có kèm theo khó thở, đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, đau đầu, chóng mặt… Người bệnh có thể có các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản. Đặc biệt là sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp…

Mẩn ngứa, mề đay là một trong những biểu hiện của dị ứng thực phẩm

Đối với dị ứng thức ăn thì tình trạng sốc phản vệ là bệnh cảnh lâm sàng nghiêm trọng nhất, dễ dẫn đến tử vong. Sốc phản vệ thường có thể xảy ra sau khi ăn từ vài giây, vài phút, muộn hơn có thể kéo dài tới vài giờ sau khi ăn, do các dị nguyên hấp thu chậm nhưng thường gặp nhất là trong 1 giờ đầu sau khi ăn.

Khởi đầu bằng cảm giác lạ thường: bồn chồn, tiếp đó là sự xuất hiện nhanh các triệu chứng ở một hay nhiều cơ quan đích như tim mạch, hô hấp, da, tiêu hóa với các biểu hiện: mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở, ngứa ran khắp người, đau quặn bụng, tiêu tiểu không tự chủ. Thể tối cấp người bệnh hôn mê, nghẹt thở, co giật, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong sau ít phút.

Khi sử dụng một thực phẩm nào đó, ngay cả với một lượng rất nhỏ, ta có thể bị các phản ứng. Phản ứng dị ứng với thực phẩm có thể là nhẹ và thoáng qua nhưng đôi khi gây một tình trạng bệnh lý trầm trọng, thậm chí tử vong.

Triệu chứng của dị ứng thực phẩm có thể là một hay nhiều biểu hiện như: nổi mẩn đỏ, ngứa ở da. Mẩn đỏ thường mất đi trong vài ngày. Một số trường hợp có thể tồn tại rất lâu được gọi là viêm da dị ứng.

Ngứa mũi và mắt, hắt hơi và chảy nước mũi, có thể có các triệu chứng của hen suyễn như ho, khò khè, nặng ngực và khó thở.

Ngứa và sưng quanh môi và miệng, đặc biệt khi môi và miệng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn. Một số triệu chứng khác như: đau bụng, buồn nôn, đau kiểu chuột rút, phù nề, nôn mửa và tiêu chảy cũng có thể xảy ra.

Phản ứng phản vệ nặng là biểu hiện trầm trọng nhất của dị ứng thực phẩm và có thể dẫn đến tử vong.

Các triệu chứng của phản vệ thường gặp là ngứa vùng hầu họng, phù mạch (chẳng hạn phù thanh quản), cò cử, khó phát âm, ho, khó thở, khò khè, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, bừng mặt, mẩn ngứa.

Tử vong có thể xảy ra là do một hoặc phối hợp nhiều biến cố: phù thanh quản trầm trọng, co thắt phế quản không hồi phục, hạ huyết áp khó hồi phục.

Các yếu tố nguy cơ của phản ứng phản vệ đe dọa tử vong do thức ăn bao gồm: bệnh nhân đã mắc bệnh hen suyễn, đặc biệt là bệnh nhân bị hen suyễn nhưng không được kiểm soát tốt; trước đây đã bị phản ứng phản vệ do thực phẩm; không phát hiện được những triệu chứng sớm của phản vệ; chậm hoặc không dùng những thuốc cấp cứu để điều trị những trường hợp dị ứng thực phẩm.

Cách phòng ngừa

Phòng dị ứng thực phẩm là rất quan trọng, bởi vì nếu xảy ra dị ứng thực phẩm nặng như phản ứng phản vệ thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém… có thể để lại hậu quả lâu dài. Các biện pháp dự phòng gồm

- Cần có hiểu biết về thực phẩm gây dị ứng và biểu hiện của dị ứng thực phẩm.

- Tránh sử dụng những thực phẩm và các sản phẩm có nguyên liệu làm từ thực phẩm mà bản thân đã bị dị ứng, kể cả tránh tiếp xúc qua da hay hít chúng. Nhận biết các triệu chứng sớm của phản ứng dị ứng.

- Ghi nhớ các triệu chứng biểu hiện lâm sàng thường gặp ở dị ứng thực phẩm trên da, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp. Khi phản ứng dị ứng thực phẩm xảy ra nhanh và có chiều hướng nặng lên, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cần đến ngay cơ sở y tế khi triệu chứng nặng lên

- Với trẻ em, khi nghi ngờ trẻ bị dị ứng thực phẩm, gia đình nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế, ghi nhật ký ăn uống và tìm hiểu trong gia đình có ai bị dị ứng thực phẩm như trẻ hay không.

- Khi biết loại thực phẩm gây dị ứng thì nên tạm ngưng và chọn thức ăn khác thay thế cho trẻ. Trường hợp bị dị ứng nặng như nổi mề đay toàn thân, khó thở... phải đến ngay bệnh viện để cấp cứu.

- Với người đã và đang bị một chứng bệnh dị ứng thì cần cẩn trọng hơn khi ăn các thực phẩm lạ, thực phẩm chế biến sẵn. Vì ngay cả những chất bảo quản cũng có thể gây dị ứng cho những người có cơ địa nhạy cảm. Khi thấy có các biểu biện dị ứng thức ăn cần đến BV ngay để được điều trị, không chủ quan hay chậm trễ vì diễn biến của dị ứng thực phẩm rất nhanh, có thể nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, không tự ý dùng thuốc theo mách bảo khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.