Từ vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa, không cho phép thất thoát nối dài

ANTD.VN - Sự việc bà Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (từ tháng 1-2004 đến tháng 5-2010)  có những vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp đã làm dấy lên lo ngại về thất thoát tài sản Nhà nước khi triển khai công tác này.

Vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa tựu trung có liên quan tới làm sai trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; mua cổ phần vượt mức; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định và không đầy đủ các thủ tục theo quy định về quản lý, hợp tác đầu tư đất đai...

Trước mắt, bà Hồ Thị Kim Thoa đã bị miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ đang xem xét miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương của bà này. Trước vụ việc nghiêm trọng này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước; ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Thất thoát lớn nhất trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thường là về đất đai và giá trị thương hiệu. Được ưu đãi trong khoảng thời gian rất dài, nhiều doanh nghiệp Nhà nước nắm trong tay những khối tài sản (khoáng sản, đất đai, thương hiệu) có giá trị khổng lồ. Người ta hay nhìn vào những doanh nghiệp ăn nên làm ra như Bóng đèn Điện Quang hay một số tổng công ty lớn để “truy” việc thất thoát khi cổ phần hóa. Song thực tế, ngay ở những doanh nghiệp Nhà nước làm ăn bết bát, thậm chí thua lỗ kéo dài nhưng còn “ôm” nhiều diện tích “đất vàng” cũng có thể xảy ra thất thoát lớn nếu cơ quan chức năng lơ là, thiếu giám sát trong khâu định giá tài sản.

Để hạn chế thất thoát khi cổ phần hóa, một số ý kiến nêu yêu cầu công khai, minh bạch sổ sách kế toán, tài sản hữu hình và vô hình,  cùng với đó là cơ chế giám sát của nhiều bên, nhất là những đơn vị được Nhà nước giao quản lý vấn đề này. Thực ra, các yêu cầu này không hề mới. Hệ thống quy định pháp luật về cổ phần hóa đã có các quy định nhằm đảm bảo các nội dung trên. Thế nhưng, “đúng quy trình” mà lại vẫn...  thất thoát. Điều đó chứng tỏ quy trình chưa đủ chặt chẽ, các nhóm lợi ích đã tìm ra nhiều kẽ hở để ngang nhiên trục lợi một cách công khai. 

Trách nhiệm rà lại hệ thống quy định pháp luật và sớm bịt các kẽ hở thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước. Cổ phần hóa đang chậm tiến độ nhưng không thể vì thế mà dễ dãi, buông lỏng để thất thoát tài sản Nhà nước.