Tư vấn pháp luật miễn phí cho bạn đọc

ANTD.VN - Nhằm giúp bạn đọc nắm được các quy định trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cộng đồng, Báo ANTĐ triển khai chuyên mục "Tư vấn pháp luật". Bạn đọc sẽ được tiếp cận kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý qua những tình huống cụ thể và sự tư vấn dễ hiểu, dễ nhớ của đội ngũ luật sư có uy tín. Mời bạn đọc có nhu cầu và thắc mắc cần giải đáp gửi câu hỏi về tòa soạn, Báo ANTĐ sẵn sàng kết nối để các luật sư giỏi tư vấn miễn phí!

Hỏi: Con trai tôi đi chơi với bạn và tham gia đánh nhau khiến một người tử vong. Tới đây, tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử. Về việc bồi thường dân sự, lúc đánh nhau con tôi chưa thành niên thì trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại thuộc về ai, việc bồi thường bao gồm những khoản gì? 

Nguyễn Văn Hòa (Phúc Thọ, Hà Nội)

Trả lời:

Tư vấn pháp luật miễn phí cho bạn đọc ảnh 1Luật sư Giang Hồng Thanh

Về vấn đề mà anh Nguyễn Văn Hòa băn khoăn, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định. Cụ thể,  Điều 20 quy định về Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi nêu rõ: Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 

Điều 606 quy định Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân. Theo đó, người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Như vậy, căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, nếu con anh chưa đủ 15 tuổi thì vợ chồng anh phải bồi thường toàn bộ. Còn nếu con anh đã đủ 15 tuổi thì cháu phải sử dụng tài sản riêng (nếu có) để bồi thường. Trường hợp cháu không có tài sản riêng thì vợ chồng anh phải có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại cho đại diện người bị hại.

Các khoản bồi thường bao gồm: Một là chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị hại trước khi người này chết. Hai là các chi phí hợp lý cho việc mai táng như tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang cũng như các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Đối với một số khoản tiền cúng lễ, cải táng, làm cỗ… không phải bồi thường (trừ trường hợp tự nguyện). Khoản thứ ba là tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết như: vợ hoặc chồng của người chết không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi bản thân; con chưa thành niên hoặc con đã thành niên của người chết nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình; cha, mẹ của người chết là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình... 

Và thứ tư là khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm. Mức bồi thường trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Luật sư Giang Hồng Thanh - (Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh - 197 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội)

Tư vấn pháp luật miễn phí cho bạn đọc ảnh 2