Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2020):

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, sử dụng cán bộ Công an nhân dân với những lời chỉ dạy ân cần, gần gũi

ANTD.VN - Trong khi xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ “then chốt”, Đảng ta coi công tác cán bộ là khâu “then chốt” của nhiệm vụ then chốt. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác cán bộ gồm hai nội dung chủ yếu, đó là công tác giáo dục chính trị tư tưởng (trọng tâm là huấn luyện, đào tạo cán bộ công an nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân) và công tác bố trí, sử dụng cán bộ. Sinh thời, Bác cũng chỉ rõ hai nội dung này cần được thực hiện cụ thể trong ngành công an nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, sử dụng cán bộ Công an nhân dân với những lời chỉ dạy ân cần, gần gũi ảnh 1Thấm nhuần lời dạy của Bác, công tác đào tạo, sử dụng cán bộ luôn được Công an Thủ đô Hà Nội đề cao (Từ trái qua: Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP trao quyết định Đại tá Nguyễn Hồng Ky được bổ nhiệm Phó Giám đốc CATP Hà Nội;  Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội trao quyết định bổ nhiệm công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại các huyện, thị xã của thành phố; Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội trao quyết định Trung tá Phạm Hải Thắng được bổ nhiệm Trưởng CAQ Ba Đình)

Nếu có cán bộ tốt thì thành công- không có cán bộ tốt thì hỏng việc 

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, cùng với việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực khác nhau không thể không quan tâm đến việc học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương của Người trong việc huấn luyện, đào tạo cán bộ.

Người viết: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”; “phải hiểu cán bộ”, “phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng”; phải “khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc”. Từ chỗ coi “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.

Người đi đến một kết luận hết sức ngắn gọn, rõ ràng và sâu sắc “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.  “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người cũng khẳng định “cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể”. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn.

Vậy Đảng cần làm gì để có được đội ngũ cán bộ đáp ứng được những yêu cầu trên đây? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Công cụ của “Người làm vườn” để “vun trồng những cây cối quý báu”, đó là chính sách cán bộ. 

Để đạt được mục tiêu trên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết phải xác định đối tượng huấn luyện. Đó là cán bộ, hội viên các đoàn thể, cán bộ các ngành chuyên môn của chính quyền và nhân dân. Nhưng trước hết là huấn luyện cán bộ, vì có cán bộ tốt thì thành công, không có cán bộ tốt thì hỏng việc. 

Những lời dạy nóng hổi về công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ

Cùng với việc xác định đối tượng huấn luyện, đào tạo, thì cần phải xác định nhu cầu huấn luyện, đào tạo cán bộ trên cơ sở yêu cầu công việc của các cơ quan, tổ chức. Về vấn đề này, Bác Hồ ví công tác đào tạo, huấn luyện như người sản xuất, các ngành công tác như người tiêu thụ hàng hóa. Ban huấn luyện như người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ, nếu làm ít thì không đáp ứng được nhu cầu, ngược lại làm nhiều sẽ lãng phí. 

Trả lời câu hỏi “Huấn luyện thế nào?”, Bác Hồ cho rằng, “cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều”. Bác Hồ từng nhắc nhở: “Khuyết điểm chung là tham làm nhiều mà làm không chu đáo, không biết “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Rõ ràng nhất là trong việc mở lớp huấn luyện... Bác phê bình việc mở lớp nhiều mà không quan tâm đến số lượng và chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo và khả năng tiếp thu của người học. 

Người viết: “Vì mở nhiều lớp nên thiếu người giảng. Thiếu người giảng thì học viên đâm chán nản. Thiếu người giảng thì phải đi “bắt phu”, vì thế người đến giảng khi nào cũng hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như chuồn chuồn đạp nước, dạy không được chu đáo. Thiếu người giảng thì thường khi lại phải “bịt lỗ”, người “bịt lỗ” năng lực kém, nói sai, có hại cho học sinh, nghĩa là có hại cho Đoàn thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải theo trình độ cán bộ cao hay thấp mà đặt lớp chứ không theo cấp bậc cao hay thấp và phải huấn luyện chuyên môn cho cán bộ sao cho “ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy”. 

Làm sao để năng lực, phẩm chất cán bộ ngang tầm nhiệm vụ?

Thực tiễn cho thấy, công tác cán bộ luôn là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Đánh giá về đội ngũ cán bộ sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã khẳng định: “Đội ngũ cán bộ lãnh đạo lực lượng vũ trang được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, trung thành với Đảng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân”.

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Nghị quyết số 26-NQ/TW đánh giá cao về công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ.

Đồng thời, Nghị quyết này cũng chỉ ra những yếu kém, hạn chế trong công tác cán bộ, như: “Đội ngũ cán bộ tuy đông nhưng chưa mạnh, năng lực của cán bộ chưa đồng đều, thậm chí còn một số cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”. 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh. Luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh không là người địa phương, trong đó có bí thư cấp ủy các cấp còn bất cập, chưa đạt yêu cầu. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. 

3 vấn đề về công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ công an

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ, đối chiếu với tình hình hiện nay về công tác cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ CAND hiện nay, các cấp ủy Đảng cần đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề.

Thứ nhất, trong chính sách đào tạo cán bộ thì nội dung trước tiên, cơ bản nhất là phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân. Nói về “Tư cách người công an cách mệnh”, Người đã chỉ ra đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành và coi đây là tiêu chí đầu tiên đối với mỗi cán bộ công an.

Do vậy, xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CAND phải lấy nội dung này là cơ bản nhất để “Đảng có lãnh đạo chính trị đúng thì chuyên môn mới đúng” và “công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng thì dù khéo mấy cũng không kết quả”. Trung thành tuyệt đối với Đảng thì cũng có nghĩa là trung thành với nhân dân, với Tổ quốc, vì rằng phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc cũng chính là sứ mệnh thiêng liêng của Đảng ta.

Người khẳng định: “Công an phải luôn luôn giúp đỡ, tổ chức, giáo dục nhân dân, làm cho mọi người dân đều là người giúp việc của mình, làm thành mạng lưới công an nhân dân”. 

Thứ hai, chính sách đào tạo cán bộ phải nhằm hình thành nên những người CAND có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, trung thành với Đảng, có lập trường tư tưởng rõ ràng, kiên định. Trực tiếp giáo dục cán bộ CAND, trong bài nói chuyện tại Trường CAND ngày 28 tháng Giêng năm 1958, Người đã dạy: “Còn về phần cán bộ công an thì phải như thế nào?... Trước hết cán bộ phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, lập trường phải rõ ràng, vững chắc đã”. 

Trong hoàn cảnh ngày nay, theo Nghị quyết số 26-NQ/TW, chính là việc giáo dục, học tập cho đội ngũ CAND quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt và thực hiện nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nội dung giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, chiến sĩ công an theo Người còn là thường xuyên đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù nguy hại của tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Những lời dạy của Người tại nhà trường công an về xây dựng tư tưởng xã hội chủ nghĩa được tiếp tục khẳng định trong Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu khóa 1 và lớp bổ túc khóa 6 Trường Công an Trung ương: “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa (so bì, hưởng thụ). Đã  là cuộc đấu tranh gian khổ, gay go thì phải chống tư tưởng uể oải, mệt mỏi, sợ khổ, chống tư tưởng tự do chủ nghĩa, thích thì làm, không thích thì không làm”. 

Thứ ba, huấn luyện, đào tạo cán bộ CAND phải nhằm giáo dục mỗi cán bộ, chiến sĩ là những người có phẩm chất đạo đức cách mạng. Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giáo dục cho cán bộ phải lấy đức là gốc của người cách mạng.

Trong bối cảnh trăm công ngàn việc của những năm đầu cách mạng, Người vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng, giáo dục những chuẩn mực căn cốt của người cán bộ công an với tác phẩm nổi tiếng “Tư cách người công an cách mệnh”. Bác yêu cầu cán bộ, chiến sỹ công an phải luôn rèn luyện tư cách đạo đức mà ngày nay mỗi cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân đều có thể thuộc lòng, nhưng không phải ai lúc nào cũng làm tốt được Sáu điều Bác dạy.

“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. 

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. 

Trước thực trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, thì việc giáo dục cho mỗi cán bộ, chiến sĩ công an luôn thấm nhuần những lời dạy của Bác, biến thành hành động cụ thể trong công tác; không coi nhẹ điểm nào trong Sáu điều dạy của Bác là những điều rất quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh vào phẩm chất đạo đức cách mạng:

- “Cần, kiệm, liêm, chính”. Giáo dục cho mỗi cán bộ, chiến sĩ có được đức liêm, nghĩa là tôn trọng giữ gìn của công, trong sạch, không tham ô. Chính là chỉ làm những việc thẳng thắn, đúng đắn. Với người cán bộ công an: “Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn”. 

- “Kính trọng lễ phép với nhân dân” đây là nguyên tắc xử thế của người công an cách mạng. Kính trọng dân trước hết là mỗi việc làm của người công an cách mạng đều phải đặt lợi ích nhân dân lên trước tiên; đoàn kết với nhân dân, gần gũi dân, động viên nhân dân cùng hoàn thành những nhiệm vụ chung có lợi cho dân, cho nước. Lễ phép với dân là cách ứng xử hòa nhã, biết lắng nghe ý kiến người dân. Biết lễ phép với dân sẽ được nhân dân ủng hộ, tích cực tham gia công việc theo nghiệp vụ, chuyên môn của ngành.

Cần chống lại những biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, thậm chí hách dịch với dân. Chế độ của ta là chế độ dân chủ nhân dân. Lực lượng vũ trang cách mạng là từ nhân dân mà ra. Quân với dân như cá với nước.

Người yêu cầu người công an phải gương mẫu trong mọi việc: “Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt”, “Phải đi đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu, giúp công an và công an mới thành công được”.

Mỗi chiến sĩ công an phải có tinh thần sáng tạo, mà Bác hay dùng chữ là “óc nghĩ”, trong việc thực thi chính sách của Đảng và Chính phủ. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, sử dụng cán bộ Công an nhân dân với những lời chỉ dạy ân cần, gần gũi ảnh 2Với cán bộ, chiến sĩ trong ngành Công an, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải tùy từng hoàn cảnh, địa bàn mà sử dụng cán bộ, chiến sĩ sao cho hợp lý (Trong ảnh: Hội thi Điều lệnh Công an Nhân dân do CATP Hà Nội tổ chức). Ảnh: LAM THANH

Những lời dạy của Bác về sử dụng, bố trí cán bộ công an 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng và bố trí cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng. Cất nhắc cán bộ là một công tác cần kíp. Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”, nghĩa là phải xem xét uy tín cán bộ trước quần chúng đến mức độ nào và phải xem người ấy xứng đáng với việc gì. 

Đặc biệt, Người chỉ ra tác dụng của việc bố trí sử dụng đúng người, đúng việc. Nếu biết tùy tài mà dùng người thì sẽ thành công, dùng người tài mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng. Lãng phí nhân tài là sự lãng phí lớn nhất của đất nước.

Theo Bác: Lãnh đạo khéo thì tài nhỏ có thể hóa tài to. Lãnh đạo không khéo thì tài to hóa ra tài nhỏ. Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Nếu không biết tùy tài mà dùng người chẳng khác gì thợ rèn bảo đi đóng tủ, thợ mộc bảo đi rèn dao. 

Vì vậy, muốn dùng cán bộ cho đúng, cho tốt đòi hỏi lãnh đạo: "Khi giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xảy ra". Phải tạo ra môi trường để cán bộ khi được giao việc có quyền tùy cơ ứng biến mới có thể phát huy tài năng của họ, “không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”. Việc cân nhắc cán bộ, phải vì công tác tài năng, “Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế có tội với Đảng, có tội với đồng bào”. Những lời dạy của Bác về sử dụng, bố trí cán bộ còn nguyên giá trị cho đến ngày nay đối với không chỉ riêng lực lượng công an, mà còn đối với công tác tổ chức nói chung.  

Để có căn cứ cho việc “cân nhắc cán bộ” các cấp trong Đảng

Ngày nay, bên cạnh những thành quả to lớn của công tác xây dựng Đảng thì trong đó cũng còn những điểm yếu kém như Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã thẳng thắn chỉ ra trong việc đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ thời gian qua. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc. 

Để có căn cứ cho việc “cân nhắc cán bộ” các cấp trong Đảng thì cần thực hiện việc “cải cách hành chính trong Đảng” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã đề ra. Công việc này đòi hỏi phải khẩn trương rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách đã lạc hậu, xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ.

Trọng tâm là đánh giá cán bộ, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ. Thực hiện nghiêm Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác cán bộ. Đặc biệt, cần minh bạch trong công tác cán bộ; loại trừ khả năng để cán bộ và người thân của cán bộ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, các đơn vị trong lực lượng CAND đã và đang từng bước chuẩn hóa quy trình, quy chế về công tác tổ chức cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi đơn vị, mỗi cấp Công an, phát huy năng lực, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo chỉ huy. Xây dựng quy hoạch lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp gắn với luân chuyển cán bộ. Công tác kiểm tra giám sát được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định, góp phần làm trong sạch đội ngũ, thuần khiết nội bộ. 

Đề cao việc giáo dục lòng trung thành với Đảng, Chính phủ, đức hy sinh, tận tụy của đội ngũ cán bộ, đồng thời quan tâm đến chính sách cán bộ  về  đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ. Người nói: “Đảng ta gồm có hàng triệu người, hàng vạn cán bộ. Trong đó, sĩ, công, nông, thương, binh đều có... Sao cho đối đãi đúng với mọi người? Đó là một vấn đề rất trọng yếu”… và "Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ và sự thân ái đoàn kết trong Đảng”.

Đặc biệt, đối với cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, Bác yêu cầu: “Việc thực hiện chính sách cán bộ, đào tạo, cất nhắc cán bộ, việc khen thưởng trong quân đội và vấn đề ưu đãi gia đình thương binh, liệt sĩ, quân nhân phục viên, Đảng và Chính phủ sẽ chú ý hơn nữa. Trước đây có việc đã thực hiện tương đối khá, cũng có điểm còn thiếu sót. Thiếu sót thì sẽ sửa chữa”. 

Với cán bộ, chiến sĩ trong ngành Công an, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải tùy từng hoàn cảnh, địa bàn mà sử dụng cán bộ, chiến sĩ sao cho hợp lý.

Trong tình hình hiện nay, những "điểm còn thiếu sót" của chính sách cán bộ biểu hiện tập trung nhất ở chỗ: tiền lương, nhà ở chưa phù hợp, chậm đổi mới, còn nặng về khuyến khích cán bộ phấn đấu phát triển theo chức vụ lãnh đạo, quản lý mà ít quan tâm tạo động lực để cán bộ phấn đấu theo con đường chuyên môn. Những điểm thiếu sót nêu trên cũng có ở trong ngành Công an. Vì vậy, một loạt những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong tình hình mới đã được xác định trong Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Hiện nay, toàn Đảng đang tiến hành chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “các cấp ủy cần chủ động cụ thể hóa, hoàn thiện các văn bản về công tác cán bộ và nhân sự cấp ủy cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đảng bộ”.

Để những công việc cụ thể nhằm lựa chọn được những cán bộ tốt cho Đảng, tránh những sai sót trong công tác cán bộ như đã từng xảy ra như một số cấp ủy trong thời gian qua thì việc quán triệt sâu sắc nội dung chủ yếu trong công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đây là đảm bảo cho thành công của đại hội đảng bộ các cấp, các ngành, chuẩn bị tốt cho Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII.